Các cố vấn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới công bố hôm 1-10, còn gọi là Hiệp định Mỹ - Canada - Mexico (USMCA), sẽ giúp loại trừ nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại tại khu vực và làm cho Bắc Mỹ trở thành nơi hấp dẫn nhà đầu tư.
Cùng với các biện pháp thuế quan nhằm vào Trung Quốc đang làm tăng chi phí sản xuất, các công ty nước ngoài sẽ bắt đầu rút đầu tư khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới. Kịch bản này được kỳ vọng làm suy yếu khả năng sản xuất công nghệ thế hệ mới của Trung Quốc, đồng thời tăng áp lực lên Bắc Kinh nhằm giúp Washington đạt được các nhượng bộ thương mại tìm kiếm bấy lâu.
Các đại diện thương mại Mexico trong một cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 về thỏa thuận thay thế NAFTA. Ảnh: Reuters
Việc giải quyết tranh chấp với các đối thủ thương mại khác, theo trang Bloomberg, cho thấy ông chủ Nhà Trắng dường như đang dọn đường cho cuộc chiến dài hơi với Trung Quốc.
Chỉ trong vài tuần qua, ông Trump đã đạt được thỏa thuận nói trên với Canada và Mexico, ký thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và thuyết phục Nhật Bản bắt đầu đàm phán kinh tế song phương.
Với USMCA, các nhà đàm phán Mỹ rõ ràng nhắm đến Trung Quốc khi đưa vào các điều khoản ngăn sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào khu vực, song song đó khuyến khích sản xuất và đầu tư ở Mỹ cũng như Bắc Mỹ. "Mỹ dường như tập trung ngăn chặn hàng nhập khẩu Trung Quốc giành thị phần ở Mỹ" - ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Canada, giải thích.
Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), một số hãng công nghệ lớn đang cân nhắc liệu có nên đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế từ Mỹ hay không.
Trong khi đó, giới chức Mỹ thường xuyên họp với phía Liên minh châu Âu và Nhật Bản để đề ra chiến lược chung đối phó Trung Quốc. Tuy các cuộc đàm phán vẫn chưa có kết quả cụ thể nhưng điều đó đã gửi đến Bắc Kinh thông điệp không dễ chia rẽ 3 đối tác thương mại lớn này.
Một số nhà chiến lược nhận định với đài CNBC (Mỹ) hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể lao dốc do tác động từ đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ. Tuy vậy, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng chịu đàm phán mà tiếp tục đáp trả Washington.
Trước mắt, theo nhận xét của ông Jeff Ng, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á thuộc Công ty Nghiên cứu quốc tế Continuum Economics, Trung Quốc có thể thực hiện các bước đi với hy vọng giảm bớt tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng.
Bình luận (0)