Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10-2 cho biết lệnh hành pháp sẽ cho phép chính quyền ông "ngay lập tức trừng phạt các lãnh đạo quân sự đã chỉ đạo cuộc đảo chính, lợi ích kinh doanh của họ cũng như các thành viên thân thiết trong gia đình của họ".
Tổng thống Biden và Bộ Tài chính Mỹ đều không nêu rõ ai sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hoặc bằng cách nào.
Tuy niên, ông Biden cam kết sẽ kiểm soát xuất khẩu và ngăn các tướng tiếp cận 1 tỉ USD quỹ của chính phủ Myanma được giữ ở Mỹ. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price, chi tiết cụ thể các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố trong tuần này.
Ông Biden kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực mà họ đã nắm giữ và thể hiện sự tôn trọng đối với ý chí của người dân, điều đã được thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8-11. Ảnh: Reuters
Reuters dẫn lời ông Biden nói tại Nhà Trắng: "Chúng tôi sẽ xác định đợt mục tiêu đầu tiên trong tuần này và chúng tôi cũng sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ. Chúng tôi đang đóng băng các tài sản tại Mỹ có lợi cho chính phủ Myanmar, trong khi vẫn duy trì sự hỗ trợ đối với chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Myanmar. Chúng tôi sẵn sàng áp đặt các biện pháp bổ sung và sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế, thúc giục các quốc gia khác tham gia cùng chúng tôi trong những nỗ lực này".
Theo ông Biden, Mỹ sẽ sẵn sàng áp đặt các biện pháp bổ sung và sẽ làm việc với các quốc gia khác để gây sức ép với nhóm đảo chính. Mỹ nhiều khả năng nhắm vào tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, người lãnh đạo cuộc đảo chính. Min Aung Hlaing và các tướng khác bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2019.
Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu vào hai tập đoàn lớn của quân đội là Myanmar Economic Holdings Limited và Myanmar Economic Corp, những doanh nghiệp có cổ phần lớn với các khoản đầu tư trải dài các lĩnh vực khác nhau bao gồm ngân hàng, đá quý, đồng, viễn thông và quần áo.
Song song đó, ông Biden kêu gọi chính quyền quân sự trả tự do cho những người biểu tình và lãnh đạo dân sự bị giam giữ - bao gồm bà Aung San Suu Kyi, đồng thời ngừng đàn áp phong trào biểu tình.
Ông Biden kêu gọi chính quyền quân sự trả tự do cho những người biểu tình và lãnh đạo dân sự bị giam giữ - bao gồm bà Aung San Suu Kyi - và ngừng đàn áp phong trào biểu tình. Ảnh: Reuters
Ông Biden kêu gọi quân đội phải từ bỏ quyền lực mà họ đã nắm giữ và thể hiện sự tôn trọng đối với ý chí của người dân Myamar, điều đã được thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8-11. Tổng thống Biden nhấn mạnh vấn đề này là mối quan tâm của quốc hội Mỹ và quốc tế.
Chính quyền Biden đã và đang nỗ lực hình thành phản ứng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng, gồm phối hợp với các đồng minh ở châu Á, những nước có quan hệ chặt chẽ hơn với Myanmar và quân đội của nước này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhất trí thúc giục chính quyền Myanmar ngừng ngay các hành động bạo lực đối với người biểu tình.
Washington cũng đang làm việc về chính sách Myanmar với Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngày 10-2, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trao đổi với lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, người có mối quan tâm lâu dài đối với Myanmar và mối quan hệ thân thiết với bà Aung San Suu Kyi.
Bình luận (0)