“Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách châu Phi (AFRICOM) sẽ thiết lập trạm chỉ huy tại Monrovia, Liberia để điều khiển và kiểm soát khu vực, hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ cũng như phối hợp với các hoạt động cứu trợ quốc tế” - văn phòng báo chí Nhà Trắng tuyên bố.
Thông báo của Nhà Trắng còn cho biết Mỹ sẽ xây dựng và cung cấp nhân viên cho các trung tâm điều trị Ebola, cũng như thành lập một cơ sở đào tạo 500 nhân viên y tế trong một tuần.
Một số thành viên của Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách châu Phi (AFRICOM). Ảnh: Facebook
Lực lượng được triển khai tới Liberia ngoài 3.000 binh sĩ còn có 1 tướng Mỹ tại châu Phi cùng nhân viên quân sự thuộc AFRICOM. Tuy nhiên, sứ mệnh cụ thể của đoàn quân này không được Washington thông báo rõ ràng. Nhà Trắng chỉ tiết lộ “nhiều người” trong số họ sẽ đóng tại một cơ sở trung gian, làm nhiệm vụ giám sát di chuyển của nhân viên y tế, vật tư và thiết bị hạng nặng.
AFRICOM cũng cảnh báo binh sĩ của mình “tránh đi tới Sierra Leone, Guinea và Liberia nếu không cần thiết”. Đây là 3 quốc gia có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, trong đó Liberia chiếm phân nửa số bệnh nhân Ebola tử vong.
Chi tiêu quốc phòng Mỹ giảm 21% từ năm 2010, năm đầu tiên chính quyền Tổng thống Barack Obama chủ trì ngân sách liên bang. Dù vậy, ông Obama nhấn mạnh quân đội Mỹ đang gánh nhiều trọng trách tại châu Phi nên cần phải được đầu tư mạnh. Trao đổi với đài NBC hôm 7-9, ông Obama gọi nỗ lực ngăn chặn Ebola là vấn đề “ưu tiên an ninh quốc gia”.
“Nếu chúng ta không nỗ lực ngay từ bây giờ, virus sẽ lây sang các khu vực khác của thế giới, không chỉ riêng châu Phi. Một khi biến đổi, virus dễ dàng lây nhiễm hơn và trở thành mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Mỹ” – ông Obama nhận định.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khoảng 4.900 người ở Tây Phi đã bị nhiễm virus Ebola - một dạng của bệnh sốt xuất huyết - và ít nhất 2.400 nạn nhân thiệt mạng, chủ yếu tại Liberia.
Các nguồn tin ngoại giao nói Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn về Ebola vào ngày 18-9. Đây sẽ là lần thứ hai Hội đồng bảo an họp vì một cuộc khủng hoảng y tế công cộng. Lần đầu họp về đại dịch AIDS vào năm 2000.
Bình luận (0)