Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Ngoại trưởng John Kerry đã đưa ra quyết định cuối cùng để hủy bỏ vai trò là quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố của Cuba, có hiệu lực từ hôm nay, 29-5-2015.”.
Trước đó, Tổng thống Barack Obama hôm 14-4 cho biết ông sẽ gạch tên Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, gửi đề xuất lên Quốc hội để xem xét và thông qua trong vòng 45 ngày. Kỳ hạn này kết thúc hôm 29-5, đồng nghĩa với việc Cuba sẽ được rút tên ra khỏi danh sách.
Các quan chức Washington cho biết bước ngoặt kể trên sẽ giúp Havana rộng đường tiếp cận và hợp tác với nhiều công ty tư nhân và ngân hàng của Mỹ, cũng như giảm bớt sự cô lập do bị Mỹ cấm vận thương mại từ năm 1962.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên, cho hay việc Cuba ra khỏi “danh sách đen” mang ý nghĩa tượng trưng hơn là ý nghĩa thiết thực. Bằng chứng là dù được Mỹ xóa bỏ lệnh cấm viện trợ kinh tế, xuất khẩu vũ khí và rút lại phản đối các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Cuba vay tiền nhưng Havana vẫn phải chịu một số lệnh cấm khác, bao gồm hạn chế liên quan đến xuất khẩu và viện trợ nước ngoài.
Mỹ đưa Cuba vào danh sách bảo trợ khủng bố từ năm 1982, khi Havana hỗ trợ phong trào du kích vũ trang ở châu Mỹ Latin. Đến khi Liên Xô sụp đổ, Havana ngừng hoạt động này.
Washington và Havana đã tổ chức 4 vòng đàm phán cấp cao kể từ tháng 12 năm ngoái và đang từng bước bình thường hóa quan hệ. Kế hoạch trước mắt là khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán của 2 bên.
Bình luận (0)