Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 28-2 cho biết quân đội Mỹ đang điều động lực lượng hải quân và không quân đến những vị trí xung quanh Libya trong bối cảnh các nước phương Tây cân nhắc khả năng can thiệp để chống lại chế độ của ông Muammar Gaddafi.
Đại tá Dave Lapan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, cho các phóng viên biết việc điều động quân nói trên sẽ cho Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lựa chọn trong cuộc khủng hoảng ở Libya.
Dù vậy, ông Lapan không nói rõ Mỹ đã điều động tàu chiến và máy bay nào, cũng như hành động đang được cân nhắc hiện nay là gì.
Tàu sân bay USS Enterprise đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập hôm 15-2-2011. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin AFP, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang xem xét sử dụng sức mạnh không quân của NATO để áp đặt một vùng cấm bay trên bầu trời Libya nhằm ngăn nhà lãnh đạo Gaddafi tiến hành các cuộc không kích chống lại người dân.
Trong trường hợp này, Mỹ có thể sử dụng tàu sân bay USS Enterprise đang ở Biển Đỏ cũng như tàu đổ bộ USS Kearsarge với một phi đội trực thăng và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ tiến hành một cuộc đổ bộ hoặc không kích Libya vì tình hình tại khu vực này rất nhạy cảm.
Song song với những động thái quân sự nói trên, Chính phủ Mỹ hôm 28-2 cho biết đã phong tỏa ít nhất 30 tỉ USD tài sản của Libya kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này vào tuần rồi.
Tại Libya, nhà lãnh đạo Gaddafi cho rằng Washington đã từ bỏ ông và muốn chiếm đóng nước này. Trả lời phỏng vấn đài ABC (Mỹ), đài BBC và báo The Times (Anh) hôm 28-2, ông Gaddafi khẳng định người dân vẫn còn yêu ông và sẵn sàng chết vì ông.
Đáp lại, bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã gọi những gì ông Gaddafi nói là “điều ảo tưởng”. Bà Rice nói: “Ông ta nói cười thoải mái với các nhà báo quốc tế trong lúc tàn sát chính người dân của mình”.
Cùng ngày, đài Al-Jazeera đưa tin ông Gaddafi đã bổ nhiệm ông Bouzaid Dordah, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Libya, làm người thương lượng với lực lượng nổi dậy hiện chiếm giữ khu vực miền Đông nước này.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng Dân tộc Libya vừa được thành lập tại thành phố miền Đông Benghazi tuyên bố không đàm phán với ông Gaddafi.
Ngoài ra, theo báo Quryna phát hành tại Benghazi, ông Gaddafi đã cách chức người đứng đầu cơ quan tình báo trong nước Abdullah Al-Senussi và bổ nhiệm một trong những cận vệ của ông, Mansur Al-Qahsi, làm người thay thế. Ông Al-Senussi được xem là đóng vai trò quan trọng trong cuộc trấn áp những người biểu tình chống chính phủ.
Lực lượng nổi dậy kiểm soát thành phố Zawiya và Misrata đã đánh bại nỗ lực chiếm lại những thành phố này của lực lượng trung thành với ông Gaddafi hôm 28-2.
Hãng tin AP dẫn lời một số nhân chứng tại Zawiya cho biết cuộc giao tranh giữa lực lượng hai bên kéo dài khoảng 6 giờ nhưng không có thông tin về thương vong.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, ông Gaddafi hôm 1-3 cho triển khai lực lượng tại khu vực Dehiba giáp biên giới Tunisia ở miền Tây và xung quanh thị trấn Nalut cách đó khoảng 60 km trong nỗ lực không để những nơi này rơi vào tay quân nổi dậy.
TT Venezuela không lên án nhà lãnh đạo Gaddafi
Phát biểu trên truyền hình tại Venezuela hôm 28-2, Tổng thống (TT) Hugo Chavez nói rằng ông không lên án nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ đang chuẩn bị xâm lược Libya để kiểm soát nguồn dầu mỏ của nước này.
Theo hãng tin AP, TT Hugo Chavez khuyên nên thận trọng trước khả năng có chiến dịch tuyên truyền sai lệch về tình hình tại Libya và Mỹ cũng như hầu hết các nước châu Âu lên án Libya vì dầu mỏ quan trọng đối với các nước đó. Ông lên án việc Mỹ di chuyển lực lượng hải và không quân đến gần Libya. Trước thông tin nói rằng nhà lãnh đạo Gaddafi trấn áp người dân Libya nổi dậy chống chính quyền, TT Chavez nói: “Có thể họ có những thông tin mà chúng ta không có”.
L. Nguyễn |
Bình luận (0)