Gia đình Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cũng giống như gia đình Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, không có tên trong danh sách những gia đình siêu giàu thế giới.
Không giống như trường hợp của hai ông Ben Ali (Tổng thống Tunisia) và Mubarak, từ trước đến giờ chưa có ai điều tra một cách nghiêm túc tài sản của ông Gaddafi và gia đình ông. Lý do khá đơn giản: phần lớn tài sản của gia đình ông Gaddafi là tiền mặt, tiền cổ phiếu chỉ chiếm một phần nhỏ và tản mác khắp thế giới.
Bí mật tài sản ông Gaddafi chỉ mới hé lộ chút ít hồi năm 2008, khi ông rút 7 tỉ USD từ các tài khoản bí mật trong các ngân hàng Thụy Sĩ sau khi nước này bắt giữ con trai ông là Hannibal. Theo các nguồn tin đáng tin cậy, số tiền rút ra đã được gửi vào các ngân hàng ở châu Á và Trung Đông.
Nhập nhằng của công, của tư
Ajmi Ridha, luật sư Thụy Sĩ gốc Tunisia, làm việc cho Tổ chức Minh bạch Ả Rập, cho biết: “Trong 30 năm cầm quyền ở Libya, ông Gaddafi luôn nhập nhằng giữa quyền lợi của nhà nước và cá nhân. Libya là một nước không có ngân hàng trung ương và quốc hội thật sự. Không ai kiểm soát được gia đình ông Gaddafi. Họ coi của chung là của riêng. Đây là điều khác biệt lớn giữa ông Gaddafi và hai người đồng nhiệm ở Tunisia và Ai Cập”.
120 tỉ USD là con số mà nhật báo Algeria El Watan dẫn lời ông Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Khảo sát thế giới Ả Rập, mới nêu ra cách đây mấy ngày khi ước tính tổng giá trị tài sản của gia đình ông Gaddafi.
Ông Abidi giải thích: “Con số ấy do các nhà ngoại giao Mỹ tính toán trong các tài liệu mật tiết lộ trên trang web WikiLeaks hồi năm ngoái”.
450 tỉ USD là tổng doanh thu từ nguồn dầu lửa và khí đốt mà Libya xuất khẩu từ thập niên 1980 đến nay. Khoảng 1/3 số tiền này, tương đương 120 tỉ USD, đã mất dấu một cách khó hiểu khỏi sổ sách nhà nước.
Trên nhật báo Anh The Guardian, giáo sư Tim Niblock, một chuyên gia nổi tiếng của Anh về Trung Đông, nhận định rằng có thể số tiền này đã rơi vào túi ông Gaddafi và 9 người con của ông.
Tại Vienna, thủ đô Áo, ông Gaddafi cũng có một căn nhà sang trọng trị giá nhiều triệu USD. Ảnh: Corbis
Ông Abidi không khỏi băn khoăn: “Câu hỏi lớn nhất: đâu là ranh giới giữa tiền bạc của nhà nước và của cá nhân (các thành viên trong gia đình ông Gaddafi)?
Ngay cả LIA, Quỹ Đầu tư Libya thành lập năm 2006, theo lời ông giám đốc tổ chức này, cũng không rõ tiền đầu tư của quỹ (32 triệu USD tiền mặt) là của chính phủ Tripoli hay của cá nhân ông Gaddafi. Chỉ biết rằng nó đã được đầu tư vào các ngân hàng Mỹ, mỗi nơi khoảng 400-500 triệu USD.
Tại Ý, theo nhật báo Il Sole 24 Ore, LIA đã trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng UniCredit hồi mùa hè năm ngoái.
Ngoài ra, nó còn nắm 21% cổ phần của tập đoàn hàng không và quốc phòng Finmeccanica Ý. Nói chung, Ý là nơi phần lớn tiền “đôla dầu” của gia đình Gaddafi đầu tư nhiều nhất. Tuy vậy, phần lớn các chuyên gia đều rất dè dặt khi đề cập tài sản của gia đình ông Gaddafi bởi vì rất khó đoán.
Trong 30 năm cầm quyền, ông Gaddafi và con cái ông nắm rất nhiều quyền lợi trong các lĩnh vực dầu thô, khí đốt, viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, khách sạn, nhà hàng, truyền thông và buôn bán lẻ.
Ngoài dầu khí, miếng bánh kinh tế Libya được chia đều cho con cái ông Gaddafi, đặc biệt là con trai. Chẳng hạn như Seif el-Islam, con trai thứ hai của tổng thống vừa đứng đầu Quỹ Gaddafi vừa điều hành Tập đoàn One-Nine (1-9-1969 là ngày ông Gaddafi đảo chính vua Idris) hoạt động đa ngành trong đó chủ yếu là dầu khí và truyền thông.
Con trai trưởng Muhammed, Chủ tịch Ủy ban Olympic Libya, nắm 40% cổ phần Công ty Phân phối Nước giải khát Coca-Cola. Ngoài ra, ông ta còn điều hành Công ty Quốc doanh Viễn thông. Con trai thứ ba Sa’adi, sở hữu một hãng sản xuất phim, kinh doanh nhà đất, du lịch và xây dựng hạ tầng cơ sở.
Đỉnh tảng đá băng khổng lồ
Đầu tuần này, sau khi Liên Hiệp Quốc (UN) và Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Libya, một số nước phương Tây đã bắt đầu phong tỏa tài sản của ông Gaddafi và gia đình tại nước họ.
Ngày 1-3, Mỹ là một trong những nước đầu tiên thi hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc phong tỏa ít nhất 30 tỉ USD tài sản của Libya (cũng là của gia đình ông Gaddafi) dưới dạng đầu tư trên đất Mỹ.
Đây là số tiền lớn nhất trong lịch sử phong tỏa tài sản nước ngoài ở Mỹ, theo lời ông David Cohen, người phụ trách chương trình trừng phạt của Mỹ.
Dinh thự trị giá 16 triệu USD của Seif el- Islam ở London. Ảnh: P.I
Canada cũng thông báo đã phong tỏa 2,3 tỉ đôla Canada, theo lời người phát ngôn của thủ tướng nước này. Tại EU, Thụy Sĩ là nước đầu tiên tuyên bố phong tỏa tài sản của dòng họ Gaddafi.
Trong khi đó, ngày 27-2, chính phủ Anh tiết lộ đã phá vỡ một kế hoạch của ông Gaddafi chuyển 1 tỉ euro tiền giấy mới cáu của Ngân hàng Libya ra khỏi nước Anh.
Đồng thời nước này tuyên bố đã phong tỏa hàng tỉ USD trong các ngân hàng, tài sản riêng của các thành viên gia đình dòng họ Gaddafi, trong đó có một dinh thự hoành tráng trị giá 16 triệu USD ở London.
Úc tuyên bố đã phong tỏa 1,7 tỉ USD. Các nước thành viên EU như Pháp, Ý , Đức cũng đang điều tra và tiến hành thủ tục phong tỏa tài sản của Gaddafi. Nhưng tất cả dường như chỉ là cái đỉnh của một tảng băng khổng lồ chưa thể xác định được kích thước.
Kỳ tới: Tiết lộ trên WikiLeaks
Bình luận (0)