“Hệ thống này ảnh hưởng tới hầu hết căn cứ của chúng tôi ở châu Âu. Chúng tôi tin rằng người Nga cố ý triển khai nó nhằm đe dọa NATO và các căn cứ trong khu vực do NATO kiểm soát” – ông Selva cho biết trong một báo cáo tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ viện.
Ông Selva không nói tên lửa hành trình mà Nga vừa triển khai có mang đầu đạn hạt nhân hay không.
Phó Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết thêm Washington đã nêu vấn đề với Moscow. Tuy nhiên, chưa rõ các biện pháp đáp trả cụ thể của Mỹ. Chỉ biết rằng lực lượng không quân Mỹ được lệnh sẵn sàng chuẩn bị nếu xảy ra tình huống không mong đợi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông sẽ thảo luận về động thái nói trên của Nga nếu gặp mặt người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Hồi tháng trước, Nga được cho là bí mật triển khai tên lửa hành trình SSC-8 trên đất liền. Loại tên lửa này được Moscow phát triển và thử nghiệm suốt nhiều năm, bất chấp phàn nàn vi phạm Hiệp ước INF của Washington.
Năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF ký năm 1987, trong đó nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ hoặc thử nghiệm mọi loại tên lửa tầm trung, kể cả thông thường và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, hôm 8-3, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel bày tỏ quan ngại về hành động triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad trên biển Baltic của Nga. Nga chuyển các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới đây vào tháng 10 năm ngoái.
Moscow giải thích đó là một phần của cuộc tập trận thường niên nhưng các quan chức quân sự phương Tây lo lắng Nga sẽ đặt Iskander ở Kaliningrad vĩnh viễn.
“Nếu tên lửa Iskander được đặt tại Kaliningrad vĩnh viễn, đó có thể là nguyên nhân gây ra mối quan ngại lớn và là một sức ép đối với an ninh châu Âu. Đây cũng là lý do buộc chúng tôi theo dõi những gì đang xảy ra ở Kaliningrad một cách cẩn thận” – ông Gabriel nói với hãng tin Interfax. Ông Gabriel đến Moscow vào tối 8-3 sau cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan ở thủ đô Warsaw.
Reuters cho biết một số phiên bản cải tiến của Iskander-M có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 700 km, tức từ Kaliningrad có thể vươn tới thủ đô Berlin của Đức.
Lithuania, có biên giới chung với Kaliningrad, hồi tháng 1 thông báo kế hoạch xây hàng rào kẽm gai cao 2 m vì lo ngại Nga. Trong chuyến thăm Lithuania tuần trước, ông Gabrie cam kết Đức sẽ triển khai quân đội trong khu vực đủ để bảo vệ các nước Baltic.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Interfax, ông Gabriel bác bỏ chỉ trích của Nga về việc NATO điều 4.000 quân tới Ba Lan và các nước Baltic, bao gồm 400 lính Đức ở Lithuania.
“Đức và các quốc gia NATO khác không phải là những nước đầu tiên hiện diện ở khu vực Baltic” - ông Gabriel nói và cho biết thêm số lượng quân Đức tại khu vực này rất nhỏ nếu so với lực lượng mà Nga đã triển khai.
Bình luận (0)