Thông báo trên được đưa ra tại Đối thoại An ninh Hàng hải CSIS – Viện Hải quân Mỹ. Theo ông Richardson, từ nay, Hải quân Mỹ sẽ “thu hẹp thuật ngữ A2/AD” trong các kênh thông tin liên lạc của mình.
Trước đây, khu vực chống tiếp cận này được xem là bất khả xâm phạm. Lực lượng nước ngoài chỉ có thể đi vào nếu gặp tình huống cực kỳ khẩn cấp đe dọa đến tính mạng.
Ông Richardson viết trên tạp chí National Interest: “Đó là một thuật ngữ được bàn tán khá tự do và thiếu định nghĩa chính xác. Chúng tôi sẽ không sử dụng A2/AD như một từ viết tắt độc lập nữa và điều đó có thể có nghĩa là khu vực dành cho tất cả mọi người”.
Tư lệnh Hải quân Mỹ giải thích A2/AD mô tả các nhiệm vụ và thách thức khiến xảy ra nhầm lẫn, không rõ ràng. Vì vậy, Washington sẽ nói chi tiết về chiến lược và khả năng của Hải quân Mỹ so với những đối thủ tiềm tàng, trong bối cảnh đặc trung về địa lý, nhận thức và công nghệ.
Cũng theo ông Richardson, định nghĩa A2/AD hiện tại phức tạp hơn so với các lằn ranh quy định trên bản đồ. Các lằn ranh này quy định giới hạn của các hệ thống phòng không. Nếu máy bay hoặc tàu sân bay vượt qua, chúng sẽ có nguy cơ bị phá hủy.
RT lưu ý hầu hết khu vực chống tiếp cận đều nằm trên bờ biển của Nga và Trung Quốc, đồng thời nhận định tuyên bố của Đô đốc Richardson cho thấy Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tăng cường sự hiện diện tại A2/AD của 2 nước này.
Trong khi đó, vị đô đốc tư lệnh khẳng định “Hải quân Mỹ sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào cần phải đến, vào bất cứ thời điểm nào và ở lại đó bao lâu cần thiết để đáp lại lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo là tạo ra tầm ảnh hưởng về chiến lược”.
Hồi tháng 6 năm nay, Nga cảnh báo Mỹ về vụ chiến hạm USS Porter (DDG-78) trang bị tên lửa hành trình cùng hệ thống chiến đấu Aegis tiến vào biển Đen, đồng thời nhấn mạnh Moscow có thể áp dụng những biện pháp phản ứng lại.
Còn Trung Quốc phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul – Hàn Quốc hơn 270 km về phía Nam.
Bắc Kinh cam kết sẽ thực hiện các bước “cần thiết” để duy trì một sự cân bằng quyền lực chiến lược trong khu vực.
Tuy nhiên, cách đây 1 tuần, Mỹ cho biết sẽ lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)