Việc Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục tại vị là tin tốt. Nó báo hiệu tính liên tục và sự ổn định ở Đức và trong mối quan hệ với bên ngoài. Là một người ủng hộ mạnh mẽ các giá trị chung của châu Âu, bà Merkel đang dành nhiều công sức để thúc đẩy hợp tác Đức - Pháp, nền tảng của sự hội nhập châu Âu và có khuynh hướng ưu tiên tìm kiếm sự ủng hộ sâu rộng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sáng kiến đối ngoại.
Với Mỹ, điều này đồng nghĩa nước này có một đối tác đáng tin cậy trên trường quốc tế mỗi khi Mỹ và EU có thể tìm được tiếng nói chung.
Tin xấu là vẫn còn quá sớm để biết rõ bà Merkel sẽ đứng đầu kiểu chính phủ nào và sự phức tạp hơn của chính trường trong nước sau bầu cử có thể kiềm chế vai trò lãnh đạo quốc tế của bà. Thành phần của chính phủ Đức sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng về mặt chính sách của Berlin. Sự mạnh lên của Đảng Cánh tả và Đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) sau bầu cử sẽ khiến chính phủ mới phải bận tâm nhiều hơn với chính sách đối nội.
Đảng Cánh tả sẽ cản trở khả năng của chính phủ trong việc đưa ra bất kỳ cam kết quốc tế nào bị xem là làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế trong nước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: REUTERS
Với bà Merkel, sự trỗi dậy của AfD còn đáng lo hơn. Các nhà lãnh đạo AfD có thể lợi dụng thành kiến và nỗi lo của cử tri đối với vấn đề nhập cư. Hơn nữa, không như những đảng cực hữu yểu mệnh trước đó, AfD và những lập trường dân túy - chủ nghĩa dân tộc của mình đã tạo được vẻ bề ngoài đáng tôn trọng bằng cách đưa được một số cựu thành viên nổi tiếng của liên Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vào ban lãnh đạo.
Sự tập trung vào vai trò thủ tướng của bà Merkel chỉ là một phần của câu chuyện. Nhiệm kỳ sắp tới của nhà lãnh đạo này có thể gặp khó bởi mối bận tâm ngày càng nhiều với tình hình chính trường trong nước và chính sách đối nội. Điều này có thể làm phức tạp sự hợp tác Mỹ - Đức.
Bình luận (0)