Phán quyết buộc Tập đoàn Công nghệ Apple nộp lại 13 tỉ euro tiền thuế mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hôm 30-8 đe dọa dẫn đến cuộc tranh cãi lớn xuyên Đại Tây Dương về chuyện châu Âu đối xử với doanh nghiệp Mỹ.
Ưu đãi thuế “trái phép”
Phản ứng giận dữ của Mỹ đối với phán quyết là điều dễ hiểu. Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các cuộc điều tra về thuế như vậy không công bằng và hủy hoại quy định về thuế của các nước riêng biệt. “Hành động của EC có thể de dọa dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào châu Âu, làm xấu đi môi trường kinh doanh ở châu Âu cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác Mỹ - Liên minh châu Âu (EU)” - tờ Financial Times trích dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ. Trước thềm phán quyết, cơ quan này cũng cảnh báo EC có nguy cơ trở thành “cơ quan thuế siêu quốc gia”.
Phản ứng trên được đưa ra sau khi EC cho rằng chính phủ Ireland đã “trợ cấp bất hợp pháp” cho Apple bằng cách giúp hãng này đóng thuế ít hơn các doanh nghiệp khác trong nhiều năm qua. Cụ thể, nước này cho phép Apple đóng thuế doanh nghiệp chưa đến 1%, thấp hơn nhiều so với mức quy định 12,5%. Sau cuộc điều tra kéo dài 3 năm, EC xác định hành động ưu đãi thuế nói trên là phạm luật của EU nên ra lệnh Ireland truy thu 13 tỉ euro tiền thuế từ Apple.
“Các nước thành viên không được ưu đãi thuế cho bất kỳ công ty nào. Điều này đi ngược quy định của EU” - Ủy viên cạnh tranh của EU Margrethe Vestager khẳng định. Theo nữ quan chức này, thỏa thuận giữa Ireland và Apple cho phép phần lợi nhuận bị đánh thuế của đại gia công nghệ Mỹ ít hơn nhiều so với thực tế (lợi nhuận ròng của Apple trong tài khóa 2015 lên đến 53 tỉ USD).
Ủy viên cạnh tranh của EU Margrethe Vestager tại cuộc họp báo của EU hôm 30-8 Ảnh: AP
Đáp lại, Ireland và Apple đều tuyên bố không chấp nhận phán quyết trên và sẽ kháng cáo. “EC đã phớt lờ pháp luật về thuế của Ireland và lật ngược hệ thống thuế quốc tế… Phán quyết sẽ gây hại đến đầu tư và công ăn việc làm ở châu Âu” - tuyên bố của Apple khẳng định. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland Michael Noonan nhấn mạnh sẽ vận động nội các kháng cáo.
Hiệp định thương mại gặp khó
Quan hệ kinh tế EU - Mỹ còn gặp trục trặc liên quan đến tương lai của Hiệp ước Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Báo Vzglyad (Nga) đưa tin các nước Ý, Đức và Pháp đã ngưng đàm phán với Mỹ về hiệp định thương mại tự do EU - Mỹ nói trên. Ngoài ra, phát biểu trên đài phát thanh RMC ngày 30-8, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Matthias Thekla cho biết Pháp còn dự định yêu cầu EC ngưng đàm phán với Mỹ trong tháng 9.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel tái khẳng định các cuộc đàm phán về TTIP đã ngừng lại mặc dù Brussels chưa công khai điều này. Ngoài ra, ông nhận xét qua đàm phán, Washington đã thể hiện ý định không muốn tuân thủ các chuẩn mực tối thiểu của EU. Theo hãng tin Tass, ông Gabriel nhấn mạnh nếu quan điểm của Mỹ không thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, TTIP sẽ không thể chào đời.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý Carlo Calenda tuyên bố TTIP đi vào ngõ cụt sau thời gian đàm phán quá lâu và trên thực tế đã sụp đổ. Giới phân tích nhận định mối quan hệ kinh tế Mỹ - EU trở nên xấu hơn bao giờ hết khi các nền kinh tế mạnh nhất châu Âu không tin cậy người Mỹ và đi đến quyết định ngưng ký kết hiệp ước không có lợi cho họ.
Bình luận (0)