"Cuộc tham vấn dự kiến tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và nỗ lực cải thiện mối quan hệ Bình Nhưỡng - Seoul" - hãng tin TASS (Nga) trích dẫn thông tin từ Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên.
Đại sứ quán Nga ở Triều Tiên xác nhận: Cuộc tham vấn song phương Nga - Triều Tiên ở cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra ngày 8-10. Còn cuộc tham vấn ba bên giữa các thứ trưởng Nga, Triều Tiên và Trung Quốc sẽ diễn ra một ngày sau đó. Kế hoạch này đã được hình thành kể từ khi có tin Ngoại trưởng Pompeo đến Bình Nhưỡng tìm cách "phát triển sự tin cậy" cần để hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Theo đài NBC News, sau cuộc gặp gỡ kéo dài 2 giờ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 7-10 trong chuyến đi thứ tư đến Triều Tiên, ông Pompeo khẳng định Washington và Bình Nhưỡng đã tiếp tục đạt được tiến bộ về phi hạt nhân hóa. Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên thừa nhận: "Đây là một ngày rất đẹp, hứa hẹn tương lai tốt đẹp cho cả hai quốc gia". Tuy nhiên, một viên chức trong phái đoàn Mỹ nhận định đó sẽ là một chặng đường dài.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng ảnh ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên trang Twitter sau chuyến thăm Triều Tiên. Ảnh: TWITTER
Viết trên trang Twitter trước đó, ông Pompeo khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực hình thành một con đường để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trên đường đi, nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí về ngày giờ và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tiếp tục chuyến đi châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Hàn Quốc, gặp Tổng thống Moon Jae-in ở Seoul và hội đàm với người đồng cấp Kang Kyung-wha tối 7-10.
Kể từ khi ông Pompeo bí mật đến Triều Tiên hồi tháng 4-2018, thời điểm ông còn là giám đốc CIA, tiến bộ mà Mỹ đạt được liên quan đến vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn còn hạn chế. Cho đến nay, Triều Tiên đã đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, phóng thích 3 tù nhân người Mỹ, hủy bỏ một số phần của cơ sở tên lửa và lối vào đường hầm tại một địa điểm thử nghiệm hạt nhân. Thế nhưng, theo hãng tin AP, Triều Tiên không hề thực hiện bước đi nào để ngưng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Gần đây, theo hãng tin Reuters, ông Pompeo đã chọc giận Triều Tiên khi khăng khăng rằng quốc tế phải giữ nguyên lệnh trừng phạt cho đến khi nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chuyến đi Triều Tiên hồi tháng 7 vừa qua của ông Pompeo đã không diễn ra suôn sẻ: Ông không gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Bình Nhưỡng lên án ông đã đưa ra "những yêu sách như kẻ cướp". Căng thẳng hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho hồi tháng 9 tuyên bố lệnh trừng phạt tiếp diễn càng khiến Triều Tiên không tin vào Mỹ, đồng thời quả quyết rằng không đời nào Bình Nhưỡng đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân trong những hoàn cảnh như vậy.
Trước khi tới Triều Tiên, ông Pompeo được cho là đã có động thái trấn an đồng minh về các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. Gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo hôm 6-10, ông Pompeo xác nhận sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến cuộc đàm phán với Triều Tiên về vũ khí hạt nhân, cũng như hứa hẹn sẽ nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại các cuộc tiếp xúc ở Bình Nhưỡng. Thế nhưng, trên thực tế, Mỹ đang đối mặt sức ép từ chính các đồng minh phải thực hiện ít nhất một cử chỉ mang tính biểu tượng đối với Triều Tiên.
Ông Pompeo không cho biết suy nghĩ của ông về ý tưởng trên nhưng nhất trí cần phải có cách nào đó để xây dựng lòng tin. "Mỗi bên phải phát triển sự tin cậy đầy đủ để có thể có hành động cần thiết đến cùng và sau đó, chúng ta sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh kế tiếp" - nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận (0)