Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić thông báo ông đã ra lệnh rút quân. Trong một tuyên bố với tờ Financial Times, Tổng thống Serbia cho biết bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ phản tác dụng, đồng thời khẳng định: "Serbia không muốn chiến tranh".
Một quan chức chính phủ Kosovo xác nhận việc rút quân một phần của Serbia vào ngày 30-9. Cùng với việc rút quân, thiết bị cũng được di chuyển đến các vị trí quanh biên giới trong 5 ngày qua, song vẫn lưu lại một lực lượng đáng kể trong khu vực.
Việc rút quân diễn ra sau tuyên bố công khai về mối quan ngại của Nhà Trắng, lời kêu gọi cứng rắn tới Tổng thống Vučić từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, và việc tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) với hàng trăm quân Anh.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić. Ảnh: Anadolu
Trong cuộc trò chuyện với ông Vučić, ông Blinken kêu gọi "giảm leo thang ngay lập tức" và quay trở lại thỏa thuận trước đó là bình thường hóa quan hệ với Kosovo.
Theo ông Vučić, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu Serbia không tuân thủ.
Tổng thống Serbia nói với hãng thông tấn Tanjug: "Tôi đã nói Mỹ là một siêu cường và Mỹ có thể làm hoặc nói những gì họ muốn nhưng tôi hoàn toàn phản đối điều đó. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất tồi tệ".
Lời cảnh báo của Mỹ được đưa ra sau một tuần căng thẳng cao độ. Vào ngày 29-9, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: "Serbia đang trong quá trình triển khai quân sự "chưa từng có" dọc biên giới với Kosovo.
"Chúng tôi đang theo dõi hoạt động triển khai quân sự quy mô lớn của Serbia dọc biên giới với Kosovo, bao gồm việc dàn quân chưa có tiền lệ đối với các đơn vị pháo binh, xe tăng và bộ binh cơ giới tiên tiến của Serbia" - ông Kerby nói.
Cảnh sát Kosovo bảo vệ một con đường gần làng Banjska. Ảnh: AP
Giữa tình hình này, KFOR đã được tăng viện một tiểu đoàn của quân đội Anh. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ đang tham khảo ý kiến của đồng minh để đảm bảo thế trận của KFOR.
Tờ The Guardian dẫn lời của Đại sứ Đức tại Mỹ Andreas Michaelis ngày 30-9 mô tả tình hình Serbia - Kosovo căng thẳng là "một thùng thuốc súng khác ở châu Âu". Ông Michaelis cho biết trên mạng xã hội rằng đã có "sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Đức và Mỹ trong những ngày qua", đây là chìa khóa để tránh leo thang hơn nữa.
Căng thẳng bùng phát vào ngày 24-9, khi nhóm bán quân sự người Serbia được vũ trang đầy đủ phục kích đội cảnh sát tuần tra của Kosovo, khiến 1 cảnh sát thiệt mạng.
Ba tay súng người Serbia chết trong cuộc đụng độ sau đó, gần làng Banjske.
Các tay súng được lãnh đạo bởi Milan Radoičić, phó thủ lĩnh của Serb List, một đảng đại diện cho người thiểu số Serbia ở miền Bắc Kosovo. Thông qua luật sư, Radoičić nhận trách nhiệm trong vụ đấu súng. Thế nhưng, phó thủ lĩnh của Serb List không giải thích nguồn gốc của số vũ khí hiện đại mà các tay súng mang theo.
Bình luận (0)