Ông Pompeo đưa ra thông điệp này trên mạng xã hội Twitter một ngày sau khi Washington gửi công hàm đến LHQ để bác bỏ tuyên bố chủ quyền, hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo trang Rappler của Philippines, nội dung công hàm thúc giục Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông, đồng thời chấm dứt các hoạt động khiêu khích tại vùng biển này. Ngoài ra, trong lá thư gửi đến Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, bà Kelly Craft, Đại sứ Mỹ tại LHQ, khẳng định Washington phản đối các yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Bắc Kinh do chúng đi ngược lại UNCLOS 1982.
Động thái trên diễn ra không lâu sau khi một số nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Indonesia, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Đáng chú ý, công hàm gửi đến LHQ ngày 26-5 của Indonesia khẳng định yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý quốc tế.
Tàu khu trục USS Mustin của Mỹ trong một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông gần đây Ảnh: Hải quân Mỹ
Những diễn biến gần đây ở biển Đông, cùng với đại dịch Covid-19, là những lý do khiến Philippines quyết định hoãn quy trình hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, theo Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez hôm 3-6. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đã gửi công hàm đến Mỹ để thông báo về quyết định trên. Lý do được ông Locsin đưa ra là "các diễn biến chính trị và những diễn biến khác tại khu vực" nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Mỹ đã hoan nghênh sự thay đổi quyết định của Philippines và hy vọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh, quốc phòng với Manila. Tờ The New York Times dẫn lời một số chuyên gia nhận định đây là diễn biến mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ nhưng có thể khiến Trung Quốc không vui.
Bình luận (0)