Chi tiết cụ thể sẽ được bà Tai trình bày tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington vào ngày 4-10.
Đây cũng là thời điểm đánh dấu chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" mà ông Trump ký kết với Bắc Kinh vào đầu năm 2019. Theo thỏa thuận, Trung Quốc phải tăng cường mua nông sản và hàng hóa, dịch vụ… của Mỹ, cụ thể là đến cuối năm 2021 phải mua tăng 200 tỉ USD so với mức của năm 2017.
Tuy nhiên, theo Reuters, chuyên gia của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) Chad Bown ước tính rằng tính tới hết tháng 8 qua, lượng mua hàng của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 62% mục tiêu của "Giai đoạn 1".
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai Ảnh: REUTERS
Chính quyền ông Biden đến nay vẫn bỏ qua sức ép đòi dỡ bỏ thuế quan áp cho hàng hóa Trung Quốc từ chính các công ty Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 30-9, bà Tai nhấn mạnh sẽ chất vấn Trung Quốc về việc thiếu hụt trên song chưa cho biết có đàm phán thỏa thuận tiếp theo hay không.
Trong 8 tháng qua, theo tạp chí Politico, chính quyền ông Biden đẩy mạnh thuyết phục các đối tác quan trọng - gồm Liên minh châu Âu (EU), Úc và Nhật Bản - cùng đối phó các hành xử kinh tế bị cho là "làm biến dạng thị trường" của Trung Quốc.
Trong khi đó, cả phía Úc và EU hôm 1-10 cho biết vòng đàm phán thứ 12 về tự do thương mại giữa 2 bên đã bị hoãn lại sau khi Canberra hủy thương vụ tàu ngầm trị giá 66 tỉ USD với Pháp. Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết vẫn tiếp tục làm việc cho vòng đàm phán vào tháng 11 tới.
Theo AP, EU và Úc bắt đầu đàm phán về thỏa thuận thương mại vào năm 2018. EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Úc năm 2020, sau Trung Quốc, Nhật Bản và trên Mỹ.
Bình luận (0)