Trong thông cáo chung đưa ra hôm 18-3 sau 2 ngày họp ở thị trấn Baden-Baden, miền Nam nước Đức, các bộ trưởng tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã không đưa vào cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại do không nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ.
Washington đổi lập trường
Thông cáo chung nhấn mạnh các nước đang hoạt động để tăng cường phần đóng góp của thương mại vào nền kinh tế mình. Hãng tin AP đưa ra sự so sánh: Tại hội nghị năm ngoái, nhóm G20 kêu gọi chống lại tất cả hình thức bảo hộ, kể cả chế độ thuế quan và quy định cấm nhập khẩu để bảo vệ công ty nội địa khỏi sức ép cạnh tranh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị ở Baden-Baden hôm 18-3. Ảnh: Reuters
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh các nước đối mặt lập trường mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề thương mại. Washington giờ đây muốn thương mại đem lại lợi ích rõ ràng hơn cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Trong lần đầu tiên tham gia một hội nghị quốc tế kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin nhắc lại nhận định của ông Trump rằng đất nước ông đã ký một thỏa thuận “tồi tệ” từ cơ cấu thương mại toàn cầu hiện nay, đồng thời nhấn mạnh các thỏa thuận thương mại cần mang lại lợi ích cho đôi bên.
Ông Mnuchin còn khẳng định chính quyền Mỹ đang xem xét lại những mối quan hệ mà ở đó, Mỹ mua nhiều hơn mức có thể bán được cho đối tác. Ông cũng xác nhận Mỹ sẽ tích cực hơn trong việc thúc đẩy thực thi các quy định hiện có để đem lại lợi ích cho người lao động Mỹ thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo trang tin Bloomberg, thái độ đó đã đặt ông Mnuchin vào vị trí chống lại hầu hết các phái đoàn khác vốn ủng hộ hệ thống đa phương dựa trên cơ sở các nguyên tắc như đã được thể hiện trong WTO. Trung Quốc và các nước châu Âu thúc đẩy sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với thương mại xuyên biên giới, không thuế quan và rào cản. Tuy nhiên, Bắc Kinh và một số nước châu Âu lại có xu hướng can thiệp nhiều vào lĩnh vực kinh doanh tư nhân hơn là chính phủ Mỹ.
Bước lùi mới
Trong khi đó, Canada lựa chọn hướng tiếp cận trung dung - thúc giục một thông cáo ủng hộ thương mại tự do nhưng không bày tỏ lập trường về cách diễn đạt hoặc sử dụng ngôn từ.
“Quan điểm của tôi là người Mỹ đang thực hiện điều mà bất kỳ chính quyền mới nào cũng sẽ làm - họ săm soi ngôn ngữ thông qua lăng kính của họ. Lăng kính của họ là làm thế nào thương mại có thể đem lại lợi ích cho Mỹ?” - Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nhận định với trang Bloomberg.
Đáng chú ý, thông cáo chung nêu trên còn không có cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương hiện nay, trong đó có WTO. Phần nội dung nói về hành động chống lại biến đổi khí hậu cũng bị bỏ, dẫn đến phản ứng mạnh của các đối tác của Mỹ và những nhà hoạt động môi trường.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ thừa nhận rằng ông không theo dõi các vấn đề môi trường, chẳng hạn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. “Tổng thống Trump đang điều nghiên Hiệp định Paris và các hiệp định khác. Chính quyền Mỹ sẽ đưa ra quan điểm khi họ xem xét các chính sách của mình” - ông Mnuchin cho biết.
Thế nhưng, theo các nhà hoạt động, việc thông cáo chung “bỏ rơi” vấn đề khí hậu là dấu hiệu cho thấy bước lùi mới của hoạt động bảo vệ môi trường sau khi Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm ngân sách cho nỗ lực này. Trong bản đề xuất ngân sách quốc gia đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Trump đề nghị cắt bớt 1/3 nguồn tài chính cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cũng như ngưng đóng góp cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Ông Li Shuo, chuyên gia ở Đông Á của Tổ chức Hòa Bình Xanh, cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm vì thông cáo chung của nhóm G20 thiếu sự quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng lấy làm tiếc khi Hội nghị G20 mới nhất không đạt được kết quả hài lòng về 2 vấn đề ưu tiên là thương mại và môi trường. Theo ông Sapin, những gì xảy ra không phải là bất đồng của G20 mà là bất đồng giữa một quốc gia và tất cả các nước còn lại bên trong G20.
Bình luận (0)