Phân tích này được đưa ra 3 tuần sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đài CNN dẫn lời vị quan chức thân cận với bản đánh giá mới nhất của Mỹ nói rằng “có thể có một vụ thử bộ phận nào đó liên quan đến một quả bom nhiệt hạch nhưng đã thất bại”. Quan chức này giải thích dựa trên các phân tích gần đây nhất, dường như thiết bị mà Triều Tiên thử nghiệm không đầy đủ chức năng và đó có thể chỉ là “bộ phận nào đó”, chẳng hạn như ngòi nổ.
Kết quả phân tích dữ liệu địa chấn cho thấy vụ thử diễn ra ở độ sâu gấp 2 lần so với dự đoán ban đầu. Ảnh: SPUTNIK
Cùng ngày, ông Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trước các phóng viên rằng Washington vẫn tin Bình Nhưỡng không thử một quả bom nhiệt hạch dẫu hôm 6-1, trong một tuyên bố đặc biệt trên truyền hình, Triều Tiên xác nhận đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Sự kiện khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và chỉ trích hành động khiêu khích làm bất ổn khu vực của Bình Nhưỡng.
Ấy vậy, Washington luôn hoài nghi về khả năng Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch. Dữ liệu không khí mà các phương tiện kỹ thuật thu thập sau vụ nổ hôm 6-1 chưa thể giúp các chuyên gia đưa ra kết luận chính xác. Vì thế, các nhà chức trách Mỹ tiếp tục phân tích dữ liệu địa chấn để tìm hiểu.
Kết quả phân tích dữ liệu địa chấn cho thấy vụ thử diễn ra ở độ sâu gấp 2 lần so với dự đoán ban đầu. Đó là độ sâu cần thiết đối với bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, mức độ mạnh của cơn địa chấn lại không tương xứng với sức công phá của bom nhiệt hạch.
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 28-1 đưa tin một quan chức Mỹ cho biết nước này đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang di chuyển các thiết bị và chất nổ đẩy nhiều khả năng phục vụ cho một vụ phóng tên lửa có thể diễn ra trong 2 tuần tới.
Cùng ngày, Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân, vấn đề nhân quyền và các hoạt động trên không gian mạng của Bình Nhưỡng.
Bình luận (0)