Sau vụ Triều Tiên thử “bom nhiệt hạch thành công” hôm 6-1, Hàn Quốc nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới hai nước. Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng chương trình phát sóng riêng của mình, đồng thời thả bong bóng mang tờ rơi vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên gần như ngày nào cũng thả bóng bay và phát ngôn viên bộ này, Kim Min-seok, thừa nhận một số bong bóng đã bay tới Seoul ngoài các khu vực gần biên giới. Tổng cộng khoảng 1 triệu bóng bay mang truyền đơn đã được sử dụng.
Đây là một trong những động thái hiếm hoi của Bình Nhưỡng vì trước giờ chỉ có các nhà hoạt động Seoul thỉnh thoảng thả bóng bay mang truyền đơn “nói xấu chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un” vào lãnh thổ Triều Tiên, không có chiều ngược lại.
Nhiều chính phủ và các nhà phân tích nước ngoài vẫn hoài nghi về xác suất Triều Tiên thử nghiệm thành công “bom nhiệt hạch”. Họ cho rằng Bình Nhưỡng thử một quả bom nguyên tử có pha 1 đồng vị hydro và gọi nó là bom H (bom nhiệt hạch). Triều Tiên trước đây từng thử bom nguyên tử vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân nói trên. Tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc - đồng minh lớn nhất của Triều Tiên và là thành viên thường trực có quyền phủ quyết của LHQ – có hợp tác để trừng phạt nước láng giềng hay không. Trung Quốc đã bày tỏ phản đối chương trình hạt nhân Triều Tiên song dường như cũng phản đối việc trừng phạt mạnh tay nước này.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao Hàn Quốc ngày 17-1 nói rằng Trung Quốc có thể lợi dụng các chiến thuật trì hoãn đối với một nghị quyết sắp tới của Hội đồng Bảo an về việc trừng phạt Triều Tiên.
Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 18-1, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc ngừng xuất khẩu chất hóa dầu sang Triều Tiên cũng như nhập khẩu anthracite từ Bình Nhưỡng. Phía Trung Quốc chưa có phản hồi.
Hai miền Nam, Bắc Triều Tiên kết thúc cuộc xung đột năm 1950 bằng một hiệp ước đình chiến và trên thực tế, họ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Mỹ hiện triển khai khoảng 28.500 quân ở Hàn Quốc như một sự răn đe đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, ba trong số các quan chức Iran bị Mỹ trừng phạt hôm 17-1 vì hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran được xác định có mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Một trong ba quan chức này, Sayyed Javad Musavi, là giám đốc thương mại của Tập đoàn công nghiệp Shahid Hemmat (SHIG), một chi nhánh của Tổ chức Công nghiệp Hàng không vũ trụ trực thuộc Bộ Quốc phòng và Lực lượng Hậu cần Vũ trang Iran (MODAFL). Hai người kia là Giám đốc SHIG Seyed Mirahmad Nooshin và phó giám đốc MODAFL Sayyed Medhi Farahi.
“SHIG đã phối hợp với KOMID – nhà thầu vũ khí chính của Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và LHQ – để chuyển van, thiết bị điện tử và thiết bị đo lường phục vụ trong các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Tehran. Ngược lại, trong nhiều năm qua, cán bộ kỹ thuật tên lửa của Iran từ SHIG tới Triều Tiên để phát triển một loại rốc-két nặng 80 tấn do chính quyền Bình Nhưỡng chế tạo” - Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ.
Bình luận (0)