Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Barack Obama tới Philippines để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vào trưa 17-11. Tại hội nghị này, ông Obama được cho là sẽ thảo luận về căng thẳng ở biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngay sau khi đến Manila, điểm dừng chân đầu tiên của ông Obama là soái hạm BRP Gregorio del Pilar.
“Chúng tôi sẽ tăng cường năng lực an ninh hàng hải của các đồng minh và đối tác của chúng tôi để giúp họ ứng phó với các mối đe dọa trong vùng biển của mình, đồng thời cung cấp một môi trường hàng hải an ninh hơn trên toàn khu vực” – tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
Trong năm tài chính 2015, Washington cam kết hỗ trợ 119 triệu USD cho 4 nước Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia và 140 triệu USD còn lại được chuyển giao trong 12 tháng tới.
Manila nhận được nhiều tài trợ nhất vì là đồng minh thân cận của Washington, tổng cộng số tiền 79 triệu USD. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez mô tả khoản viện trợ này sẽ giúp nước này tăng đáng kể năng lực đảm bảo an ninh hàng hải.
Nhà Trắng cũng cho biết Việt Nam sẽ được nhận 40,1 triệu USD, Indonesia 20 triệu USD và Malaysia 2,5 triệu USD.
Ngoài ra, Mỹ sẽ cung cấp cho Hải quân Philippines 1 tàu tuần tra và 1 tàu nghiên cứu để tăng cường lĩnh vực an ninh hàng hải. Năm 2011 và 2013, cảnh sát biển Mỹ chuyển giao 2 tàu tuần tra cho Manila và chúng trở thành những tàu chiến hàng đầu của lực lượng hải quân nước này.
Washington dưới thời Tổng thống Obama đang nỗ lực củng cố các liên minh trong khu vực Đông Nam Á, một yếu tố quan trọng để gia tăng sức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Thành tựu đáng chú ý nhất của ông là thúc đẩy việc hoàn thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Khi hội nghị APEC bắt đầu vào ngày 18-11 (giờ địa phương), Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia thành viên APEC khác để đánh dấu sự kiện đặc biệt, mặc dù Mỹ và các nước vẫn còn phải vượt qua những trở ngại chính trị đáng kể để thông qua TPP.
Trong khi đó, tuy nhiều lần nhấn mạnh không muốn đưa vấn đề biển Đông vào hội nghị APEC song trong cuộc họp báo ngày 17-11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã phát ngôn rất ngược ngạo. Ông này bao biện rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không phải là hoạt động quân sự hóa và đường băng mà Bắc Kinh xây dựng mang lại các lợi ích dân sự.
Chưa hết, ông này tuyên bố bất chấp lý lẽ rằng Trung Quốc mới là “nạn nhân thực sự” trên biển Đông và rằng Bắc Kinh đã rất kiềm chế mới không chiếm lại các đảo và bãi đá bị "nước ngoài chiếm đóng" dù đủ quyền và khả năng làm chuyện này.
Bình luận (0)