Ông Konstantin Gavrilov - người đứng đầu phái đoàn Nga trong Đàm phán Vienna về An ninh quân sự và Kiểm soát Vũ trang - nói với tờ Izvestia hôm 8-5: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ lời giải thích nào và có vẻ như chúng tôi sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ lời giải thích nào. Sẽ không có gì mới (từ Mỹ)".
Ông Gavrilov tỏ ra rất ngạc nhiên trước phản ứng của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ nổ Nord Stream. Đây là vụ phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng vốn được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua Đức.
Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đều tiến hành điều tra những vụ nổ tại Nord Stream 1 và 2 vào mùa thu năm ngoái. Đến nay, các nước vẫn chưa công khai kết quả điều tra. Các nước này cũng từ chối lời đề nghị hỗ trợ điều tra từ Nga.
Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là công trình do tập đoàn Gazprom của Nga khai thác, vận chuyển khí đốt từ Nga vào Đức. Ảnh: AP
Nhà báo Seymour Hersh. Ảnh: Reuters
Hồi đầu tháng 2, nhà báo Seymour Hersh (từng đoạt giải Pulitzer) cho biết Mỹ đã ra lệnh phá hủy Nord Stream. Theo ông này, chất nổ được kích nổ vào tháng 9-2022 vốn được các thợ lặn của Hải quân Mỹ đặt tại các đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic vào tháng 6-2022 dưới vỏ bọc một cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong bài báo dài 5.800 chữ, ông Harsh viết: "Tháng 6-2022, các thợ lặn của Hải quân Mỹ, hoạt động dưới vỏ bọc của một cuộc tập trận giữa mùa hè của NATO, được công bố rộng rãi có tên là BALTOPS 22, đã cài đặt loại chất nổ kích hoạt từ xa mà 3 tháng sau đã phá hủy 3 trong 4 bốn đường ống Nord Stream - theo một nguồn tin từ nội bộ trực tiếp thực hiện kế hoạch".
Theo ông Hersh, thời điểm đó được chọn để phá hoại Nord Stream vì xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn tiến theo chiều hướng không có lợi cho Kiev.
Ống để xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2. Ảnh: DPA
Ngay sau đó, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson bác bỏ báo cáo, gọi đây là báo cáo "hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn hư cấu". Người phát ngôn của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố tương tự.
Chính phủ Mỹ nhiều lần phủ nhận có liên quan đến vụ nổ các đường ống Nord Stream. Trong khi đó, Nga nói cần tiến hành một cuộc điều tra mở về vụ nổ.
Theo đài RT, các quan chức khác của Nga cũng cho rằng bên duy nhất được hưởng lợi từ việc phá hủy Nord Stream là Mỹ, khi nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng từ nước này cho châu Âu tăng mạnh sau vụ nổ đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Tuy nhiên, mới đây, theo một cuộc điều tra chung từ các hãng truyền thông của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, các tàu Nga với thiết bị hoạt động dưới nước được xác định đã ở gần các địa điểm xảy ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nhiều ngày trước khi xảy ra vụ nổ.
Các nhà báo tại các cơ quan truyền thông nói trên được cho là đã liên kết việc các tín hiệu bị chặn từ các con tàu, với hình ảnh vệ tinh để xác định vị trí và theo dõi đường đi của chúng, theo trang Wired.
Bình luận (0)