Mục đích của tuần tra chung là chống nạn buôn người và đánh bắt trái phép. “Tuần tra chung sẽ được tiến hành khi các tàu tuần tra Mỹ đi qua lãnh hải của chúng ta. Hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta” - Bộ trưởng Susi nói. Theo bà, Indonesia phải nắm lấy cơ hội tuần tra chung với Mỹ bởi hoạt động giúp tiết kiệm chi phí cho Indonesia, hơn nữa tàu Mỹ được trang bị các hệ thống tân tiến.
Kế hoạch này được thảo luận trong cuộc họp song phương giữa Bộ trưởng Susi và Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách Đại dương và Khí quyển Kathryn Sullivan tại Washington (Mỹ) hồi tuần trước.
Bà Susi nhấn mạnh vấn đề Indonesia đang phải đối mặt hiện nay là nhiều tàu cá nước ngoài đang đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia không đưa hải sản vào bờ mà chuyển chúng sang các tàu nhỏ hơn. Do đó, việc phối hợp thành lập cơ chế tuần tra và điều tra chung trên biển là cần thiết cho hai nước và các thành viên thuộc Mạng lưới An toàn đại dương (SON).
Đây là sáng kiến được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra năm 2015 nhằm xây dựng một cộng đồng toàn cầu tăng cường mọi mặt chống đánh bắt trái phép, bao gồm việc phát hiện, thực thi pháp luật, truy tố.
Hoạt động đánh bắt trái phép trên lãnh hải Indonesia đang có chiều hướng gia tăng. Bà Susi cho biết có rất nhiều tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp, không thông báo và không theo quy tắc ở quanh quần đảo Natuna. Trong 6 tháng qua, Indonesia đã bắt giữ 30 tàu cá đi vào lãnh hải của Indonesia.
Mới nhất, các nhà chức trách Indonesia ngày 22-9 thông báo bắt giữ 2 tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép ở ngoài khơi quần đảo Natuna nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Đây là vụ bắt giữ đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài ở Hà Lan phán quyết bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về “đường chín đoạn” ở biển Đông.
Lâu nay, Indonesia xử lý khá mạnh tay với cách tàu đánh bắt trái phép trên lãnh hải nước này. Kể từ tháng 12-2014, Indonesia đánh chìm 236 tàu, chủ yếu là tàu cá nước ngoài.
Bình luận (0)