Con số này được đưa ra trong nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học thuộc 2 trường ĐH Harvard và Columbia (Mỹ) hôm 19-9.
Theo báo The Age, các nhà nghiên cứu dùng chỉ số ô nhiễm không khí để tính toán sự phơi nhiễm đối với khói độc. Kết quả cũng cho thấy số người tử vong ước tính do khói mù năm 2015 gấp đôi so với năm 2006. Phần lớn số nạn nhân tăng thêm do cháy rừng ở tỉnh Nam Sumatra. “Phơi nhiễm với không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ tử vong từ một số bệnh, bao gồm đột quỵ và các bệnh đường hô hấp” - TS Shannon Koplitz của Trường ĐH Harvard, một trong các tác giả nghiên cứu, nói với Fairfax Media.
Theo kết quả đăng tải trên chuyên san Environmental Research Letters, Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 91.600 nạn nhân, cùng 6.500 người ở Malaysia và 2.200 người ở Singapore. Ông Sutopo Purwo Nugroho, một quan chức Cơ quan Xử lý thảm họa Indonesia (BNPB), hôm 19-9 bác bỏ: “Những dữ liệu đó không đúng. Nếu số người thiệt mạng cao như vậy, chúng tôi đã công bố trong các thông cáo phát đi gần như hằng ngày hồi năm ngoái”. BNPB trước đó chỉ đưa ra con số 24 người thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng nói trên, trong đó 12 nạn nhân chết khi dập lửa và 12 người tử vong do các vấn đề hô hấp.
Năm ngoái, BNPB ước tính 43 triệu người Indonesia phơi nhiễm với khói mù ở Sumatra và Kalimantan trong khi hơn nửa triệu trường hợp nhiễm bệnh hô hấp. Khói mù là vấn đề thường niên ở Indonesia, xuất phát từ nạn đốt rừng để lấy đất canh tác. Tình trạng hạn hán năm ngoái cùng hiện tượng El Nino đã dẫn tới thảm họa khói mù tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 1977.
Nhà hoạt động Yuyun Indradi thuộc tổ chức Hòa bình xanh Indonesia hôm 19-9 cảnh báo sự chết chóc do khói mù đã lộ rõ, nếu không hành động ngay lập tức để ngăn chặn sẽ là một tội ác.
Bình luận (0)