Mỹ và Israel đã chính thức mất quyền bỏ phiếu tại Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 8-11. Theo điều lệ của UNESCO, quyết định này tự động có hiệu lực sau 2 năm kể từ khi chính quyền Washington và Tel Aviv ngừng đóng góp tài chính để trả đũa việc UNESCO trao quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine vào năm 2011.
Mỹ đóng góp cho UNESCO 80 triệu USD/năm, chiếm tới 22% ngân sách của tổ chức này. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết bà chấp nhận thực tế chính trị và sẽ cố gắng mở hướng hoạt động mới cho tổ chức, bất chấp ngân sách năm 2014 của UNESCO giảm khoảng 150 triệu USD, từ 653 triệu USD xuống còn 507 triệu USD.
Bà Bokova cũng lấy làm tiếc khi tác động của Mỹ tại tổ chức giảm mạnh trong vòng 2 năm qua và việc này từng đẩy UNESCO vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khiến khoảng 300 người có nguy cơ mất việc làm.
Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki bày tỏ sự tiếc nuối nhưng lưu ý “mất quyền bỏ phiếu không có nghĩa là mất tư cách thành viên”. Đại sứ Mỹ tại UNESCO David Killion thì khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với UNESCO một cách tích cực bằng mọi khả năng cho phép”. Trong khi đó, Đại sứ Israel tại UNESCO Nimrod Barkan cho hay họ ủng hộ quyết định của Mỹ về việc “phản đối chính trị hóa UNESCO hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác bằng cách thừa nhận một đất nước không tồn tại như Palestine”.
Động thái này diễn ra giữa lúc tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine do Mỹ làm trung gian đang giậm chân tại chỗ. Nhiều người băn khoăn không biết sẽ còn căng thẳng đến đâu nếu Palestine được tham gia các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bình luận (0)