Mỹ cho biết nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự tàn bạo của cảnh sát. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện một cuộc điều tra nhanh chóng, minh bạch và đầy đủ về vụ việc này”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi hình ảnh cảnh sát Hồng Kông đánh đập một người biểu tình được lan truyền trên mạng Internet, khiến một số nhà lập pháp và công chúng phẫn nộ. Trong buổi sáng cùng ngày, cảnh sát sát Hồng Kông buộc phải đã dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông chặn một con đường lớn gần văn phòng của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh sau khi những người này tỏ ra tức giận về vụ việc một người biểu tình bị cảnh sát đánh đập.
Trong khi đó, tại trụ sở cảnh sát ở quận Wan Chai, hàng trăm người đã tụ tập sẵn bên ngoài từ sáng sớm để bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi đánh đập người biểu tình cùng với hàng chục người xếp hàng để khiếu nại chính thức về vụ việc nói trên. Trước đó, giới chức Hồng Kông cho biết cảnh sát tham gia vào vụ đánh đập nạn nhân Ken Tsang Kin-chiu đều bị đình chỉ công tác.
Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 15-10 cho biết người Anh nên đứng lên ủng hộ quyền của người dân Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, sau hơn 2 tuần diễn ra biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu này.
Phát biểu tại Quốc hội Anh về tình hình bất ổn ở Hồng Kông, ông Cameron đã nói điều quan trọng là người dân Hồng Kông phải được hưởng tự do và các quyền theo quy định trong một thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc trước khi London trao trả đặc khu này lại cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Ông Cameron nhấn mạnh: “Điều quan trọng là dân chủ liên quan đến những lựa chọn thực sự. Điều này nói về các quyền và tự do bao gồm quyền tự do cá nhân, phát ngôn, báo chí, hiệp hội, tổ chức, du lịch, phong trào và các cuộc biểu tình”. Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã đụng độ với cảnh sát đêm qua.
Bình luận (0)