Phát biểu tại cuộc thảo luận bàn tròn với các quan chức chính phủ và chuyên gia khí hậu Trung Quốc, bà Yellen nhấn mạnh với tư cách vừa là 2 nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất vừa là 2 nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo, Mỹ và Trung Quốc có chung trách nhiệm lẫn năng lực dẫn đầu cuộc chiến này.
Được Liên Hiệp Quốc phân loại là quốc gia đang phát triển, theo Reuters, Trung Quốc từ lâu tuyên bố các nước phát triển có trách nhiệm giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn tỏ ý sẵn sàng đóng góp trên cơ sở tự nguyện.
Theo bà Yellen, Trung Quốc có thể hỗ trợ các tổ chức khí hậu đa phương như Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Quỹ Đầu tư khí hậu. GCF hoạt động trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ đóng góp thêm 1 tỉ USD cho GCF.
Bên trong một hầm trú ẩn được chuyển đổi thành nơi tránh nóng ở TP Tế Nam, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ
Năm 2022, Trung Quốc tạm dừng các cuộc thảo luận với Mỹ về khí hậu, an ninh và nhiều lĩnh vực khác để đáp trả chuyến thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc) của bà Nancy Pelosi, khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Dù vậy, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ là ông John Kerry đã nhận được lời mời sớm đến thăm Trung Quốc.
Cam kết của Trung Quốc đối với vấn đề biến đổi khí hậu càng được chú ý trong bối cảnh nước này đang phải chịu đựng cùng lúc 2 thái cực: Nắng nóng cực đoan kèm nguy cơ hạn hán ở miền Bắc và mưa lũ hoành hành ở miền Nam.
Theo hãng tin AP, nhiều thành phố ở Trung Quốc như Hàng Châu (nằm trên bờ biển phía Đông), Vũ Hán (ở miền Trung) và Thạch Gia Trang (thuộc tỉnh Hà Bắc giáp Bắc Kinh)… trong tuần qua đồng loạt mở các hầm phòng không cũ để người dân xuống tránh nóng.
Những hầm trú ẩn này được bắt đầu xây dựng từ thời Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm (từ năm 1937). Hiện tại, các hầm thường được trang bị ghế ngồi, có nguồn cung cấp điện nước, đồ ăn thức uống, thuốc điều trị sốc nhiệt…, một số nơi còn có wifi, tivi và bàn bóng bàn.
Bình luận (0)