Trong chuyến thăm Canberra hôm 8-6, ông Berger nhấn mạnh mỗi quốc gia phải đưa ra quyết định của mình nhưng Mỹ "hoàn toàn" hoan nghênh Úc tham gia các hoạt động gọi là tự do hàng hải.
Tướng Berger xác nhận lực lượng phòng vệ Úc có năng lực và ngang tầm với Mỹ.
Gần đây, Mỹ cho thấy nước này có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động ở biển Đông nhằm chứng tỏ với Bắc Kinh rằng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo là bất hợp pháp.
Trung tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo ở Đại sứ quán Mỹ tại Canberra hôm 8-6. Ảnh: SMH
Ông Berger cho rằng mỗi quốc gia có thể tìm được phương cách riêng của mình để cùng với cả khu vực cho Bắc Kinh thấy rằng tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển đó không được chấp nhận.
Ngoài ra, tướng Berger khẳng định nếu các quốc gia không cho máy bay bay bên trên các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông hoặc đưa tàu đến đây, có nghĩa là trên thực tế họ công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vốn đã bị luật pháp quốc tế bãi bỏ.
Hơn nữa, tướng Berger cho biết Mỹ còn chờ đợi Bắc Kinh tháo dỡ các căn cứ quân sự của họ trên biển Đông.
Không chỉ Úc, Pháp cũng đang chứng tỏ hiện diện trên biển Đông. Kể từ năm 2014, tàu của Pháp vẫn thường xuyên đi vào biển Đông nhằm ủng hộ tự do hàng hải.
Báo The Wall Street Journal nhận định: Trung thành với cam kết ủng hộ tự do hàng hải ở biển Đông, Pháp có thể dẫn đầu các nước châu Âu khác chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Thêm vào đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang xây dựng mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Ấn Độ và Úc, đồng thời dường như ông ước định được mối thách thức của Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Hồi tháng 3, hải quân Pháp cho biết tàu khu trục Vendémiaire đã tuần tra trên biển Đông để xác định sự hiện diện của Pháp trong khu vực. Ảnh: HẢI QUÂN PHÁP
Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh so với các vị tiền nhiệm của ông Macron, vốn bị cho là "bị mê hoặc trước các cơ hội làm ăn và đầu tư ở Trung Quốc".
Hơn nữa, Pháp đang tập hợp các nước châu Âu khác để có hành động ủng hộ tuyên bố tự do hàng hải. Đó là thông điệp đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly truyền đạt tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la gần đây ở Singapore.
Bà Parly nhấn mạnh rằng Pháp sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển tranh chấp này, cùng với Anh và Đức. Theo bà, ít nhất 5 tàu của Pháp đã đi vào biển Đông trong năm qua. Hành động của Pháp có thể là cơ sở cho các hoạt động đa quốc gia châu Âu.
Bình luận (0)