Nhiều năm qua, CHDCND Triều Tiên khua chiêng gióng trống đe dọa phần còn lại của thế giới, nhất là Mỹ. Rồi Bình Nhưỡng mấy tháng gần đây càng đưa ra nhiều phát ngôn mạnh mẽ khi quốc gia này mấy phen tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch và tên lửa vốn vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là nhận định vừa được Bản tin G2 của nhà phân tích Mỹ Joseph Farah đưa ra ngày 10-9.
Sau những lần thử nghiệm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần phải tuân thủ và hành xử theo luật pháp quốc tế, thậm chí khẳng định không loại trừ khả năng hành động quân sự.
Mặc dù tờ Politico từng lưu ý đến thực tế khó khăn nếu xảy ra xúc tiến khả năng này. Phóng viên Jacqueline Klimas của tờ Politico giải thích: "Các nỗ lực đi sâu vào Triều Tiên của Mỹ dường như công cốc, quân đội dường như không có đủ thông tin chính xác để xóa sạch các cơ sở hạt nhân và tên lửa ngay cả khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh".
Chính ông Donald Trump ít nhiều nhận biết được tình thế không chắc chắn. Tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng về hành động ứng phó Triều Tiên, ông Trump thốt lên: "Có phải không thể tránh khỏi sao? Không có gì là không thể tránh khỏi". "Bởi vì nơi được xem là đất nước bí ẩn ấy từ lâu trở thành một trong những mục tiêu tình báo khó lường nhất. Không có nhiều nỗ lực không kích hay các phương thức khác ngăn chặn tham vọng thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa mà không khiến Bình Nhưỡng suy tính đến chuyện trả đũa", theo tờ Politico.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un Ảnh: WND.COM
Phóng viên Jacqueline Klimas trích dẫn lời bình luận của ông Douglas Pall thuộc tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế: "Anh sẽ không muốn chọc tay vào tổ ong đâu, nhất là khi ong vẫn còn ở trong tổ. Nếu anh đưa ra các lựa chọn cho tổng thống, một trong những điều đầu tiên phải nói là chúng ta có thể tấn công những gì chúng ta có thể nhìn thấy, song chúng ta không biết rõ những gì chúng ta không thể nhìn thấy".
Theo ông Douglas Pall, "nói chung, tôi không nghĩ rằng quá cường điệu khi nói rằng chúng ta vẫn đang mò mẫm trong bóng tối". Tờ Politico cũng cho rằng các cơ quan gián điệp khác nhau thường đưa ra các kết luận khác nhau về Triều Tiên vì "khó thu thập và giải thích thông tin tình báo" về nước này.
Bình luận (0)