Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên tại Đại sứ quán Mỹ tại Manila – Philippines, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver phát biểu: "Chúng tôi sẽ không cho phép họ viết lại các quy tắc về đường đi hoặc thay đổi luật pháp quốc tế". Tuyên bố này đề cập tới việc một máy bay của hải quân Mỹ bay qua biển Đông và bị lực lượng Trung Quốc yêu cầu rời khỏi.
"Chúng tôi sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở nơi mà luật pháp quốc tế cho phép.... Nếu hoạt động của chúng tôi là hợp pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Tôi nghĩ chúng ta cần nhất quán và người Trung Quốc cần phải hiểu rằng thách thức kiểu đó sẽ không làm chúng tôi thay đổi hành vi" – ông Schriver nói thêm.
Cũng theo ông Schriver, Mỹ đang xem xét năng lực phát triển của các đồng minh trong khu vực.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver phát biểu tại Manila hôm 16-8. Ảnh: Rappler
Cho đến nay, nhiều quốc gia cần "radar" và "máy bay" để duy trì chủ quyền hàng hải. Chẳng hạn đối với Philippines, đồng minh lâu đời nhất ở châu Á, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập chung như Balikatan nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
Ông Schriver cam kết "Mỹ sẽ là đồng minh tốt của Philippines nếu Bắc Kinh xâm lược đảo do Philippines kiểm soát ở biển Đông" và "sẽ hỗ trợ Philippines đáp trả phù hợp".
Trung Quốc và Philippines đang xảy ra tranh chấp tại một số khu vực ở biển Đông.
Bắc Kinh đã xây dựng rất nhiều đảo nhân tạo phi pháp ở vùng biển này. Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có những động thái rời xa đồng minh truyền thống Mỹ và hướng về Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, hôm 14-8, ông Duterte công khai chỉ trích yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và cảnh báo đây có thể là ngòi nổ xung đột.
Ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng lại tuyên bố của ông Duterte. Trung Quốc còn ngang nghiên tuyên bố nước này có quyền phản ứng với các tàu hoặc máy bay nước ngoài đến gần các đảo nhân tạo.
Bình luận (0)