Reuters dẫn lời quan chức giấu tên trên cho biết hôm 15-9 rằng Mỹ làm vậy để tránh một thảm họa ngoại giao chứ không phải vì 2 nước có khả năng đạt được bất cứ thỏa thuận nào về cách giải quyết vấn đề này.
Tờ Washington Post đưa tin tương tự, dẫn lời một quan chức cấp cao khác cho biết quyết định hoãn trừng phạt của Washington được đưa ra sau cuộc họp kéo dài cả đêm 11-9 vừa qua, với sự tham gia của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và ông Mạnh Kiến Trụ, bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc.
Sau cuộc họp, 2 bên đạt được “thỏa thuận đáng kể” về nhiều vấn đề an ninh mạng. “Đã có một thỏa thuận và sẽ không có trừng phạt gì trước khi ông Tập đến Mỹ vào ngày 24-9” – nguồn tin của Washington Post nói song nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt chưa bị loại bỏ hoàn toàn.
Trước đó, hôm 14-9, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Barack Obama sẽ nêu vấn đề an ninh mạng với Chủ tịch Tập Cận Bình khi 2 nhà lãnh đạo hội đàm. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói chưa có thông tin mới về thời điểm áp đặt trừng phạt Trung Quốc vì hành vi tấn công mạng trước chuyến thăm của ông Tập. Theo ông Earnest, việc cử ông Mạnh Kiến Trụ sang làm việc trước cho thấy Bắc Kinh hiểu an ninh mạng là vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ.
Đáp lại, trong cuộc họp báo hôm 15-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói nước này luôn phản đối hành vi tấn công mạng và sẵn sàng hợp tác với Mỹ để xây dựng các quy tắc trên mạng cũng như một không gian ảo an toàn, mở rộng.
Tuần trước, các quan chức Mỹ cho hay Mỹ đang cân nhắc trừng phạt cả Nga và Trung Quốc vì hành vi tấn công các mục tiêu kinh tế Mỹ. Chịu trừng phạt không phải là các tin tặc bị tình nghi liên quan đến chính phủ 2 nước mà là các cá nhân và công ty hưởng lợi từ hành vi trên.
Tin tặc Trung Quốc còn bị nghi đứng sau vụ tấn công hệ thống dữ liệu của hơn 20 triệu nhân viên liên bang Mỹ hồi tháng 4-2015.
Bình luận (0)