"Chúng tôi nhắm vào các mục tiêu này để giảm thiểu rủi ro bắn trúng các lực lượng Nga. Chúng tôi đã sử dụng các kênh tránh xung đột để bàn về vấn đề không phận cũng như những vấn đề khác. Chúng tôi không tiến hành bất cứ hoạt động phối hợp nào với Nga về cuộc tấn công và cũng không báo trước cho họ biết…Chúng tôi không hé lộ mục tiêu hay kế hoạch với Nga" – tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuyên bố tại buổi họp báo Lầu Năm Góc sau cuộc không kích hôm 13-4.
Mỹ: Nga không có động thái gì
Nga và Mỹ đã thiết lập đường dây nóng tránh xung đột vào tháng 10-2015 sau khi không quân Nga can dự vào cuộc nội chiến Syria để ngăn chặn nguy cơ lực lượng của mỗi nước va chạm khi hoạt động trên cùng một khu vực.
Tuyên bố của ông Dunford cho thấy điều trái ngược khi Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria vào năm ngoái. Vào thời điểm đó, Mỹ đã sử dụng đường dây tránh xung đột để báo trước cho Moscow.
Ông Joseph Dunford. Ảnh: Reuters
Ông Dunford còn khẳng định rằng trong khi hệ thống phòng không Syria hoạt động xuyên suốt cuộc tấn công, ông "không thấy Nga tiến hành bất cứ động thái nào". Tuy nhiên, ông Dunford nói thêm rằng chi tiết cụ thể sẽ sớm được công bố.
Với cuộc không kích mới đây, nhiều quan chức Mỹ - trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, lo ngại tình hình sẽ xấu đi nếu Nga đáp trả.
Ông Dunford tiết lộ rằng tư lệnh Mỹ ở Syria đã thay đổi cấp độ bảo vệ cho 2.000 binh sĩ Mỹ đang tham gia chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xung ở Syria và Iraq để đề phòng Moscow trả đũa.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga
Trong khi đó, trang Sputnik ngày 14-4 trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố "không có bất cứ tên lửa nào của Mỹ và đồng minh bay vào phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không Nga tại Syria – vốn được triển khai để bảo vệ cơ sở hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia".
Do đó, các hệ thống phòng không Nga không được sử dụng để chống lại làn sóng tên lửa của liên quân, theo Bộ Quốc phòng Nga. Trước đó, Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin tối 10-4 phát biểu trên kênh truyền hình al-Manar TV của lực lượng Hezbollah (Lebanon) rằng "nếu Mỹ tấn công Syria, tất cả tên lửa thậm chí là những khí tài phóng sẽ bị bắn hạ".
Tên lửa phòng không của Syria phóng lên ở Damascus. Ảnh: AP
Quân đội Nga khẳng định liên quân đã không kích ồ ạt các hạ tầng quân sự và dân sự của Syria vào sáng 14-4 (giờ địa phương). Theo đó, 100 tên lửa hành trình và không đối đất đã phóng đến các mục tiêu ở Syria, với sự tham gia của 2 tàu chiến Mỹ trên biển Đỏ, không quân trên Địa Trung Hải và các máy bay ném bom B-1B từ khu vực al-Tanf của Syria.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh hầu hết tên lửa của liên quân bị hệ thống phòng không của Syria bắn hạ khi đang tiếp cận mục tiêu. Theo bộ này, hệ thống phòng không Syria do Liên Xô sản xuất hơn 30 năm trước.
Cụ thể, Trung tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục chỉ huy tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, nói: "71 tên lửa hành trình đã bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không S-125, S-200, Buk, Kvadrat và Osa của Syria. Được biết đa phần các hệ thống tên lửa phòng không này của Syria đều được sản xuất từ thời Liên Xô cũ".
Ngoài ra, một phóng viên Sputnik cho hay liên quân không không kích dinh tổng thống và các tòa nhà chính phủ ở Damascus.
Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vẫn lên án hành động Mỹ và đồng minh (Anh và Pháp) vì tiến hành cuộc tấn công "nhằm vào thủ đô của một quốc gia có chủ quyền".
S-400 của Nga có bảo vệ được Syria khi bị Mỹ tấn công?
S-400, được NATO gọi là SA-21 Growler, là hệ thống phòng chống tên lửa tầm xa thế hệ thứ tư được Nga phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2007.
Với tốc độ tên lửa 4,8 km/giây, S-400 được tuyên bố là có thể bắn hạ máy bay, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng như các mục tiêu trên mặt đất.
S-400 hiện đang được triển khai ở Kaliningrad, Syria và Crimea và có khả năng bắn hạ cùng lúc 80 mục tiêu trong phạm vi 400 km ở độ cao tối đa 30 km.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik
Bình luận (0)