Trong bài phát biểu dài 40 phút tại Trường ĐH George Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Bắc Kinh là "đầu tư, liên kết, cạnh tranh".
Ngoài ra, ông Blinken khẳng định Washington không tạo xung đột với Bắc Kinh nhưng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình. Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ đánh giá Trung Quốc là quốc gia duy nhất "có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó".
Đề cập vấn đề tự do hàng hải và hàng không, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục phản đối các hành động gây hấn và phi pháp của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.
"Gần 6 năm trước, tòa án quốc tế đã tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì quyền hàng hải của mình. Mỹ sẽ phối hợp các đối tác và đồng minh nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không, điều đã tạo nên sự thịnh vượng của khu vực trong nhiều thập kỷ..." - ông Blinken cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Trường ĐH George Washington hôm 26-5 Ảnh: BLOOMBERG
Dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Washington sẵn sàng đẩy mạnh ngoại giao và tăng cường liên lạc với Trung Quốc về một loạt vấn đề và sẵn sàng làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Đề cập nội dung không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí, ông Blinken thúc giục Mỹ và Trung Quốc tiếp tục làm việc cùng nhau và với các quốc gia khác để đối phó chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Dù vậy, trong diễn biến cho thấy không dễ để hai nước tìm được tiếng nói chung đối với các vấn đề "nóng", Trung Quốc và Nga hôm 26-5 đã phủ quyết nghị quyết do Mỹ đề xuất tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên do các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây.
Động thái trên cho thấy sự chia rẽ lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ kể từ khi cơ quan này bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng năm 2006. Chuyên gia Zhao Tong của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định Bắc Kinh có thể bỏ phiếu trắng nhưng lại dùng quyền phủ quyết để công khai thái độ bất bình ngày càng tăng đối với Washington.
Bình luận (0)