Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN, 10 bên đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Liên hiệp châu Âu (EU), Ấn Độ, Nga cùng các nước Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Mông Cổ, Đông Timor, Papua New Guinea và CHDCND Triều Tiên đã tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) ở Bali (Indonesia) hôm 23-7.
Tại ARF 18, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bảo đảm thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); hoan nghênh việc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, các nước mong muốn khu vực này hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; sớm nối lại đàm phán sáu bên; khẳng định ARF sẵn sàng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các bên đối thoại và trao đổi xây dựng giữa các bên.
Các ngoại trưởng tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bali (Indonesia) hôm 23-7. Ảnh: Getty Images
Phát biểu tại ARF 18, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói Washington lo ngại rằng sự gia tăng căng thẳng gần đây ở biển Đông đe dọa đến hòa bình khu vực, đồng thời cảnh báo việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Bà cho biết: “Những diễn biến gần đây ở biển Đông đe dọa sự an toàn của cuộc sống ở biển, làm leo thang căng thẳng, cản trở tự do đi lại, gia tăng rủi ro đối với sự phát triển của thương mại và kinh tế”.
Bà Clinton cũng kêu gọi các bên tranh chấp phải “tuân thủ cam kết tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời phải giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Trước mắt, theo bà Clinton, Mỹ khuyến khích tất cả các bên liên quan đẩy mạnh nỗ lực xây dựng COC để bảo đảm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở đó.
Mặt khác, Ngoại trưởng Clinton cũng kêu gọi các bên liên quan củng cố những tuyên bố chủ quyền của mình bằng chứng cứ pháp lý – một thách thức đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn biển Đông.
Bà nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ những tuyên bố chủ quyền ở biển Đông theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS… Những tuyên bố chủ quyền đối với không gian hàng hải ở biển Đông chỉ nên bắt nguồn từ những tuyên bố chủ quyền hợp pháp gắn với các đặc điểm đất liền”.
Triều Tiên đề xuất nối lại đàm phán 6 bên
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Pak Ui-Chun có cuộc gặp ngắn bên lề ARF hôm 23-7
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai miền Triều Tiên kể từ khi vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng rơi vào bế tắc từ tháng 12-2008.
Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên đã đề xuất nối lại vòng đàm phán 6 bên vô điều kiện và càng sớm càng tốt. Tân Hoa Xã hôm 23-7 cho biết đề xuất này đã được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Pak Ui-Chun và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề các hội nghị ở Bali.
Tuy nhiên, phát biểu tại ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói CHDCND Triều Tiên cần có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc trước khi Washington cân nhắc việc nối lại vòng đàm phán 6 bên. |
Bình luận (0)