Theo đơn kiện nộp lên tòa án liên bang ở bang Kansas - Mỹ, các ngân hàng này đã thao túng lãi suất Libor từ năm 2005 đến 2010 bằng cách cung cấp thông tin sai lệch trong một bản khảo sát hàng ngày do Hiệp hội Ngân hàng Anh thực hiện, trong đó đòi hỏi thông tin về chênh lệch chi phí cho vay giữa các ngân hàng ở 10 loại tiền tệ. Mục đích đưa thông tin sai của các ngân hàng nhằm hưởng lợi từ những khoản đầu tư gắn với Libor và chiếm đoạt những khoản thanh toán lãi suất mà các nhà đầu tư đáng được hưởng.
NCUA cho rằng hành vi thao túng nói trên đã vi phạm luật chống độc quyền, đồng thời khiến 5 tổ chức tín dụng của Mỹ bị mất thu nhập nhiều triệu USD từ những khoản đầu tư và tài sản họ nắm giữ. Vì thế, vụ kiện là một phần nỗ lực nhằm thu lại những khoản thiệt hại này. Tuy nhiên, cả 5 tổ chức này đều đã đóng cửa do giai đoạn khủng hoảng kinh tế gần đây.
Các nhà điều tra Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Canada, Singapore và Liên hiệp châu Âu đã điều tra hành vi thao túng lãi suất Libor nói trên trong thời gian qua. Theo NCUA, khoảng 40 vụ kiện đã được tiến hành khắp thế giới liên quan đến vụ việc này. Dù vậy, cho đến giờ, chỉ mới có 3 ngân hàng UBS, Royal Bank of Scotland và Barclays bị phạt tổng cộng 2,5 tỉ USD.
Riêng UBS vào tháng 12-2012 đã đồng ý nộp phạt 1,5 tỉ USD để dàn xếp các cuộc điều tra hình sự và dân sự liên quan đến vụ bê bối gian lận lãi suất Libor tại Mỹ, Anh, Thụy Sĩ và Nhật Bản. Vào tuần rồi, chi nhánh Nhật Bản của UBS (UBS Securities Japan Co. Ltd.) cũng bị Mỹ phạt 100 triệu USD vì có vai trò trong vụ bê bối này.
Bình luận (0)