Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, ông Pompeo nói rằng các cuộc đàm phán này phải dựa trên tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí 3 bên - Mỹ, Nga, Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus xác nhận bình luận trên được ông Pompeo đưa ra khi thảo luận với ông Lavrov về các bước tiếp theo trong Đối thoại An ninh Chiến lược song phương.
Theo Reuters, ông Trump vào năm ngoái đề xuất Mỹ, Nga, Trung Quốc đàm phán một hiệp ước để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) mới năm 2010. Nội dung hiệp ước yêu cầu cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom và tên lửa mà Mỹ và Nga triển khai. Hiệp ước START mới sẽ hết hạn vào tháng 2-2021 trừ khi các bên đồng ý gia hạn thêm tối đa 5 năm. Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn hiệp ước nhưng Mỹ vẫn chưa bày tỏ quan điểm của mình.
Một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga được thử nghiệm Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov đã nhắc lại đề xuất gia hạn hiệp ước START mới trong cuộc điện đàm với ông Pompeo. Quan chức này nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng thảo luận các thỏa thuận tiềm tàng về vũ khí hạt nhân mới nhưng điều quan trọng là phải duy trì hiệp ước START mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 17-4 lưu ý tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có thể được tính cùng với các vũ khí hạt nhân khác trong khuôn khổ hiệp ước START mới.
Theo lập luận của giới chức Mỹ, bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí mới nào giữa Mỹ và Nga cũng phải có thêm Trung Quốc bởi "mối đe dọa đang tăng" từ kho vũ khí hạt nhân đang được hiện đại hóa của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng đề xuất của ông Trump là chiến lược mới nhằm "thủ tiêu" hiệp ước START mới và chấm dứt những hạn chế đối với hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ. Trong khi đó, Moscow cho rằng mục tiêu đó là phi thực tế, nhất là khi Bắc Kinh lâu nay không muốn thảo luận về bất kỳ thỏa thuận nào làm giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ. Trung Quốc ước tính hiện có khoảng 300 vũ khí hạt nhân, ít hơn nhiều so với Mỹ và Nga.
Bình luận (0)