Tuy nhiên, một số cựu quan chức chính quyền cao cấp cho rằng vũ khí này làm tăng khả năng xung đột hạt nhân.
"Hải quân Mỹ đã trang bị đầu đạn tên lửa đạn đạo W76-2 hiệu suất thấp phóng từ tàu ngầm" - ông John Rood, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về chính sách, tuyên bố hôm 4-2.
Tên lửa Trident II phóng từ tàu ngầm USS Nebraska lớp Ohio ngoài khơi California. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo ông, đầu đạn mới này tăng cường khả năng răn đe và cung cấp cho Mỹ một vũ khí chiến lược hiệu suất thấp nhanh chóng hơn.
Vũ khí hạt nhân mới nêu trên là phiên bản sửa đổi của đầu đạn W-76 đã có từ trước, vẫn thường được sử dụng để trang bị cho tên lửa Trident II (D-5) phóng từ tàu ngầm. Do đó, nó không bổ sung vào tổng số vũ khí hạt nhân trong kho dự trữ của Mỹ.
Loại đầu đạn mới này, vũ khí hạt nhân mới đầu tiên của Mỹ trong nhiều thập kỷ, lần đầu tiên được sản xuất vào tháng 2-2019.
Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết tuần trước rằng Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch triển khai đầu đạn hiệu suất thấp trên tàu ngầm USS Tennessee ở Đại Tây Dương.
Kêu gọi sản xuất loại vũ khí giảm bớt sức công phá, bản báo cáo "Đánh giá tư thế hạt nhân năm 2018" của chính quyền Tổng thống Donlad Trump cảnh báo rằng có khả năng các đối thủ tin rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhỏ hơn chống lại Mỹ hoặc đồng minh mà không sợ Mỹ tiến hành trả đũa hạt nhân, do vũ khí của Mỹ có sức hủy diệt mạnh hơn một cách không tương xứng.
Báo cáo nêu rõ: "Mở rộng các phương án hạt nhân linh hoạt của Mỹ hiện nay, bao gồm các phương án hiệu suất thấp, là điều rất quan trọng để duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy chống lại sự xâm lược trong khu vực. Nó sẽ nâng ngưỡng hạt nhân và giúp bảo đảm rằng các đối thủ tiềm năng nhận thấy không giành được lợi thế nào trong việc leo thang hạt nhân có giới hạn".
Kế hoạch trên kêu gọi sửa đổi các đầu đạn hiện có của Mỹ được gắn trên các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm như là một phần của chương trình 5 năm trị giá 50 triệu USD.
Tàu ngầm USS Tennessee của hải quân Mỹ. Ảnh: DVIDS HUB
Mỗi tàu ngầm sẽ chỉ mang theo một vài trong số các tên lửa mới này, chúng chủ yếu được trang bị các tên lửa tầm xa chiến lược.
"Mỹ thường xuyên liên lạc với các đồng minh về các hệ thống vũ khí hạt nhân của mình và đã cung cấp thông tin cập nhật về sự phát triển của loại tên lửa Trident năng suất thấp kể từ khi xuất hiện bản báo cáo "Đánh giá tư thế hạt nhân 2018" - một quan chức NATO nói với đài CNN.
Thứ trưởng Rood nhấn mạnh yêu cầu vũ khí hiệu suất thấp được xác định trong báo cáo nhằm "giải quyết quan điểm cho rằng những kẻ thù tiềm năng, như Nga, tin tưởng việc sử dụng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp sẽ giúp họ có lợi thế hơn Mỹ và các đồng minh và đối tác".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ hạ viện Adam Smith đánh giá quyết định này là "sai lầm và nguy hiểm".
"Việc triển khai đầu đạn này không làm cho người Mỹ an toàn hơn. Thay vào đó, việc triển khai gây mất ổn định này càng làm tăng thêm khả năng tính toán sai lầm trong một cuộc khủng hoảng" - ông nói thêm.
Nga được cho là sẽ duy trì một kho dự trữ vũ khí hạt nhân "chiến thuật" lớn, có sức tác động và sức hủy diệt kém hơn so với vũ khí của Mỹ.
Một số người chỉ trích Mỹ theo đuổi vũ khí hiệu suất thấp hơn trong khi một số người cho rằng điều đó hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, họ cho rằng các nhà lãnh đạo có thể cảm thấy bớt gượng gạo hơn khi sử dụng loại vũ khí đó.
Bình luận (0)