Xảy ra ở giai đoạn cuối trong hoạt động sơ tán của Mỹ, vụ đánh bom bên ngoài sân bay thủ đô Kabul hôm 26-8 cho thấy Washington đã thất bại trong nỗ lực loại bỏ chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ Afghanistan như mục tiêu đề ra cách đây 20 năm. Quân đội Mỹ ở Afghanistan giờ đây phải đối phó nguy cơ bị tiếp tục tấn công trước thời hạn rút quân vào ngày 31-8.
Tướng Frank McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ, cho biết có những mối đe dọa khác bên cạnh nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
ISIS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công hôm 26-8 khiến hơn 90 người dân Afghanistan, 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Đây được xem là ngày đẫm máu nhất đối với quân đội Mỹ tại Afghanistan kể từ sau vụ tấn công trực thăng Chinook vào tháng 8-2011 khiến 30 binh sĩ thiệt mạng.
Được xem là kẻ thù của Taliban, ISIS-K nổi lên vào cuối năm 2014 ở miền Đông Afghanistan, giáp với biên giới Pakistan. Cũng như IS, ISIS-K khét tiếng cực đoan và tàn bạo. Chúng đối đầu với Taliban không chỉ vì ý thức hệ mà còn để giành quyền kiểm soát các tuyến đường buôn lậu và buôn bán ma túy ở Afghanistan, theo tình báo phương Tây.
Người bị thương được điều trị tại bệnh viện hôm 27-8 sau vụ tấn công ở sân bay Kabul - Afghanistan Ảnh: REUTERS
Ông McKenzie cảnh báo những kẻ tấn công có thể sử dụng cả tên lửa hoặc bom xe nhằm vào sân bay. Điều đó đồng nghĩa với việc 4 ngày sắp tới sẽ cực kỳ căng thẳng với lực lượng Mỹ ở Kabul. Các vụ đánh bom hôm 26-8 cũng cho thấy sự thất thế trớ trêu của Mỹ hiện nay: Phải phụ thuộc vào chính Taliban, lực lượng vũ trang không có kinh nghiệm về bảo đảm an ninh, để ngăn chặn khủng bố tiếp cận sân bay.
Theo đài CNN, Tổng thống Joe Biden đang tiến thoái lưỡng nan khi không thể thực hiện cam kết sơ tán tất cả người Mỹ và người Afghanistan từng giúp đỡ Mỹ vì không thể gia hạn thời hạn rút quân sau ngày 31-8.
Hơn nữa, khả năng đáp trả ISIS-K cũng khó khăn hơn khi không còn quân đội Mỹ tại Afghanistan hay gần đó. Lựa chọn khả dĩ nhất là sử dụng không quân để trấn áp các mối đe dọa. Chuyên gia phân tích an ninh, tình báo và khủng bố của đài CNN Juliette Kayyem nhận định Mỹ vừa rời Afghanistan mà vừa không thể rời bởi các nỗ lực chống khủng bố vẫn tiếp diễn.
Phản ứng về vụ tấn công, Tổng thống Biden cam kết sẽ truy tìm và buộc thủ phạm trả giá. Theo Reuters, ông Biden đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc lập kế hoạch không kích các cơ sở, tài sản và các thủ lĩnh của ISIS-K.
Bất chấp nguy cơ sắp tới, ông McKenzie cho biết Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sơ tán khi còn khoảng 1.000 công dân Mỹ ở Afghanistan. Theo tướng McKenzie, quân đội Mỹ đang triển khai trực thăng tấn công, máy bay có người lái và không người lái để bảo vệ sân bay ở Kabul, đồng thời chia sẻ một số thông tin tình báo với Taliban vì mục đích an ninh.
Theo một quan chức an ninh phương Tây tại sân bay, các chuyến bay sơ tán từ Afghanistan được nối lại ở mức độ khẩn cấp hôm 27-8. Trong 12 ngày qua, các nước phương Tây đã sơ tán gần 100.000 người nhưng nhiều khả năng hàng ngàn người sẽ không thể rời khỏi Afghanistan khi 5.000 binh sĩ Mỹ cuối cùng rời đi vào cuối tháng này.
Một số đồng minh của Mỹ đã thông báo sắp kết thúc chiến dịch sơ tán. Anh cho biết các cuộc sơ tán của nước này sẽ kết thúc trong ngày 27-8 trong khi Tây Ban Nha, Pháp, Úc, New Zealand, Bỉ, Hà Lan và Ba Lan có hành động tương tự.
Trung Quốc lo ngại
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 27-8 cho biết nước này bị sốc và lên án các vụ đánh bom liều chết ở sân bay quốc tế Kabul, đồng thời kêu gọi bảo vệ người nước ngoài ở Afghanistan. "Chúng tôi hy vọng các bên liên quan áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo đảm chuyển giao quyền lực ổn định ở Afghanistan" - ông Triệu nói.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng vụ đánh bom kép nói trên cho thấy sẽ không dễ khống chế ISIS-K cũng như các nhóm cực đoan khác ở Afghanistan. "ISIS-K muốn chứng tỏ mình vẫn có ảnh hưởng ở Afghanistan trong lúc Taliban có vẻ đang nhích dần tới các chính phủ nước ngoài, kể cả Mỹ" - ông Yang Shu, chuyên gia của Trường ĐH Lan Châu, lý giải với báo South China Morning Post.
Theo ông Yang, Taliban đang đối mặt tình thế hết sức khó khăn khi căng thẳng với Mỹ chắc chắn sẽ dâng cao sau vụ tấn công, cộng thêm những lời kêu gọi ráo riết về việc đoạn tuyệt với các nhóm khủng bố từ các cường quốc, bao gồm Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, ISIS-K đang chuyển đi lời cảnh báo rằng "Taliban đừng ảo tưởng có thể thoát khỏi cảnh đối đầu với Mỹ".
Trong khi đó, một chuyên gia khác của Trường ĐH Lan Châu là ông Zhu Yongbiao cho biết tình hình càng hỗn loạn thì ISIS-K càng dễ bành trướng thế lực và tập hợp các nhóm khủng bố đối thủ của Taliban để trở thành nhóm cực đoan lớn thứ hai ở Afghanistan.
Một kịch bản như thế khiến Trung Quốc e ngại, kể cả khi các lợi ích của nước này không phải là mục tiêu bị tấn công hàng đầu. "Trung Quốc bị đe dọa nhiều hơn cả về đầu tư lẫn con người và các quyết định tham giá tái thiết Afghanistan trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng" - ông Sun Degang, chuyên gia đối ngoại của Trường ĐH Phục Đán, nhấn mạnh.
Hải Ngọc
Bình luận (0)