Lần đầu tiên triển khai Apache chống IS
Sau khi triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor để tấn công Nhà nước Hồi giáo, Mỹ cuối tuần qua đã xuất kích trực thăng chiến đấu Apache để chặn bước tiến IS về phía thủ đô Baghdad của Iraq.
Trực thăng Apache của quân đội Mỹ đã tham chiến tại Iraq. Ảnh: Alamy
Những chiếc trực thăng này được gửi tới Iraq cách đây 3 tháng nhằm bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Đây là lần đầu tiên Washington sử dụng 2 khí tài quân sự hiện đại là F-22 Raptor và Apache trong một cuộc chiến “chống khủng bố”.
Sau khi phối hợp với chiến đấu cơ và máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ tấn công 6 mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tối 4-10, những chiếc Apache tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Đông Bắc TP Fallujah – Iraq hôm 6-10.
Cờ IS xuất hiện tại biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết tối 6-10, các chiến binh nhóm IS tự xưng đã giành quyền kiểm soát 3 quận ở phía Đông thành phố chiến lược Kobane của Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cờ của IS đã xuất hiện ngay tại khu vực biên giới này.
IS đã bao vây Kobane trong 3 tuần, thường xuyên dùng xe tăng và vũ khí hạng nặng tấn công vào thị trấn. Lực lượng người Kurd cố thủ bên trong với số lượng vũ khí ít ỏi. Một quan chức địa phương tên Idriss Nassan nhận định thị trấn sẽ sớm bị thất thủ.
Khoảng 2.000 cư dân Kobane đã được sơ tán hôm 6-10 và những người còn lại được lệnh rời khỏi thị trấn càng sớm càng tốt. Dù trước đó Washington khẳng định cuộc không kích vào phía Nam Kobane đã làm cho IS thiệt hại nhưng chính trị gia người Kurd, bà Asya Abdullah cho rằng cuộc không kích không mang lại hiệu quả.
Nhóm người chạy trốn xung đột ở biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
IS cưỡng hiếp rồi bán phụ nữ làm nô lệ với giá chỉ 10 USD
Nhóm điều tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cầm tù ít nhất 2.500 phụ nữ và trẻ em, lạm dụng tình dục sau đó bán họ ra chợ nô lệ với giá 10 USD/người.
Hầu hết các nạn nhân đều là giáo đồ đạo Kitô và cộng đồng người dân tộc Yazidi. Thị trường nô lệ được IS tạo ra ở các khu vực al-Quds, TP Mosul – Iraq và TP Raqqa – Syria nhằm thu hút các thành viên đến gia nhập tổ chức.
Một phụ nữ Yazidi từng bị 10 chiến binh IS cưỡng hiếp kể qua điện thoại với kênh truyền hình Euronews: “Chúng tôi được bán với giá 10-12 USD. Chúng là những con vật chứ không phải con người”.
Rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái người Yazidi khác bị IS bắt giữ hồi cuối tháng 8. Họ được phép sử dụng điện thoại di động, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là kể cho cha mẹ và người thân của họ về chuỗi ngày sống trong địa ngục. Sau khi bị cưỡng hiếp nhiều lần, các cô gái cũng bị rao bán ngoài chợ nô lệ.
Cao ủy LHQ về quyền con người, ông Zeid Ra'ad Al Hussein, nêu ý kiến: “Các hành vi vi phạm và lạm dụng do IS cùng một số nhóm vũ trang liên quan gây ra thật đáng kinh ngạc. Nhiều hành vi có thể gán mác tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người”.
Một phần thu nhập của IS đến từ hoạt động buôn bán nô lệ, phần khác có được từ việc bán dầu thô bất hợp pháp. IS sử dụng số tiền này để mua thêm vũ khí trang bị cho các thành viên của tổ chức.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Vũ khí trong Xung đột (CAR), trụ sở ở London - Anh công bố ngày 6-10, Nhà nước Hồi giáo đang sử dụng vũ khí và đạn dược được sản xuất tại ít nhất 21 quốc gia khác nhau, bao gồm Trung Quốc, Nga, và Mỹ.
Phần lớn vũ khí và đạn dược của IS có được do thu giữ từ lực lượng quân đội Iraq. Tuy nhiên, tổ chức này còn mua vũ khí trực tiếp từ các công ty và đại lý lớn, thậm chí mua từ một nhà máy sản xuất vũ khí ở bang Missouri – Mỹ.
Bình luận (0)