Trong bối cảnh sức ép gia tăng liên quan đến kết quả bầu cử gây tranh cãi, Tổng thống Bolivia Evo Morales hôm 10-11 tuyên bố từ chức sau 14 năm cầm quyền. Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, ông Morales nói rằng quyết định trên được đưa ra vì "lợi ích quốc gia".
Tuy nhiên, ông khẳng định không làm gì sai trái và ông là nạn nhân của "một cuộc đảo chính" đến từ phe đối lập. "Các thế lực đen tối đã hủy hoại nền dân chủ Bolivia" - ông Morales khẳng định, đồng thời nhấn mạnh "cuộc chiến sẽ không kết thúc tại đây".
Theo báo The New York Times (Mỹ), khủng hoảng chính trị tại Bolivia bùng phát vào hôm 20-10, khi ông Morales, người giữ chức Tổng thống Bolivia từ năm 2006, đắc cử nhiệm kỳ 4. Sau khi kết quả bầu cử được công bố, các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối ông Morales đã nổ ra, làm tê liệt nhiều khu vực trên khắp cả nước. Bạo loạn gia tăng sau khi các nhóm ủng hộ ông Morales tấn công đám đông biểu tình.
Đến ngày 8-11, ông Morales hứng chịu sức ép gia tăng sau khi một vài đơn vị cảnh sát đứng về phía đám đông biểu tình. Làn sóng phản đối ông Morales tiếp tục lan tỏa sang quân đội vào hôm 10-11, khi Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman kêu gọi ông Morales rời ghế tổng thống.
Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức hôm 10-11 Ảnh: AP
Tuyên bố của ông Kaliman được đưa ra không lâu sau khi Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) công bố kết quả đánh giá cuộc bầu cử hôm 20-10, cho thấy hàng loạt "điểm bất thường nghiêm trọng".
Cũng trong ngày 10-11, ông Morales thông qua mạng xã hội Twitter cáo buộc cảnh sát Boliva ra lệnh bắt giữ ông trái phép, đồng thời cho biết nhà ông bị nhiều nhóm bạo lực tấn công.
Trong một tuyên bố trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard khẳng định sẽ cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Morales nếu ông mong muốn.
Theo báo The Guardian (Anh), vụ từ chức của ông Morales - một biểu tượng của chính trị cánh tả - nhiều khả năng gây ra những biến động lớn trên khắp khu vực giữa lúc các nhà lãnh đạo cánh tả đã quay lại nắm quyền ở Mexico và Argentina.
Một vài đồng minh cánh tả của ông Morales ở Mỹ Latin, trong đó có Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Tổng thống đắc cử Argentina Alberto Fernandez, khẳng định những gì đang diễn ra ở Bolivia là "một cuộc đảo chính". Trong khi đó, chính phủ Brazil khẳng định sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi dân chủ và hiến pháp ở Bolivia, đồng thời bác tuyên bố của phe cánh tả nói rằng "một cuộc đảo chính đã diễn ra" ở quốc gia này.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cùng ngày bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Bolivia, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh các hành động bạo lực để xuống thang căng thẳng. Ông Guterres cũng hối thúc người dân Bolivia "tìm kiếm một giải pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng, cũng như để bảo đảm tính minh bạch và đáng tin cậy cho các cuộc bầu cử mới".
Đài Deutsche Welle (Đức) cho biết các cuộc biểu tình bạo lực tại Bolivia kể từ ngày 20-10 đã khiến 3 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Theo Hiến pháp Bolivia, khi chính phủ không có tổng thống và phó tổng thống, chủ tịch thượng viện sẽ là người nắm quyền tạm thời. Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Bolivia Adriana Salvatierra cũng đã từ chức vào đêm 10-11 (giờ địa phương).
Bình luận (0)