Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-7 cảnh báo sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục "ngồi không" trong vấn đề Triều Tiên sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Thông điệp mạnh
Trong lời chỉ trích gay gắt được thể hiện với 2 dòng đăng tải trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng khơi dậy từ những bất mãn trong vấn đề thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới tới chính sách về Triều Tiên.
"Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Các lãnh đạo dại dột của chúng ta trước đây đã để họ kiếm hàng trăm tỉ USD mỗi năm từ trao đổi thương mại, dù họ chẳng làm gì cho chúng ta trong vấn đề Triều Tiên. Họ chỉ nói" - ông Donald Trump gay gắt, đồng thời nhấn mạnh sẽ không cho phép điều này tiếp diễn.
Không chỉ nặng lời chỉ trích Trung Quốc, Mỹ đã có hành động phản ứng cụ thể ngay sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo (ICBM) đêm 28-7. Lực lượng Không quân Mỹ hôm 30-7 tuyên bố đã điều 2 máy bay ném bom B-1B tới bán đảo Triều Tiên nhằm phô trương sức mạnh quân sự, gọi đây là phản ứng trực tiếp đối với các vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 28-7 và 3-7. Hai oanh tạc cơ xuất phát từ căn cứ không quân của Mỹ ở Guam hôm 29-7, sau đó tham gia tập trận chung với chiến đấu cơ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo báo giới Hàn Quốc, lực lượng quân sự nước này đã có các cuộc tập trận chung bắn đạn thật với Mỹ, sử dụng tên lửa đất đối đất từ các bệ phóng tên lửa, ngay sau vụ phóng tên lửa mới nhất được Triều Tiên khẳng định là "có thể bắn đến mọi nơi trong lãnh thổ Mỹ".
"Triều Tiên vẫn là mối đe dọa cấp bách nhất đối với sự ổn định của khu vực. Nếu được điều động, chúng tôi sẵn sàng phản ứng bằng lực lượng áp đảo, nhanh chóng, gây sát thương" - Tướng Terrence J. O’Shaughnessy, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo (bìa trái) đến thăm một đơn vị tên lửa Patriot hôm 30-7 Ảnh: YONHAP
Tăng cường đối phó
Trong khi đó, các nguồn tin quân sự cấp cao ở thủ đô Washington nói với trang Daily Mail (Anh) hôm 30-7 rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ra lệnh tấn công quân sự nhắm vào đơn vị vũ khí của Triều Tiên "trong năm tới" sau khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Mỹ. Theo đó, các quan chức Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch tấn công một kho vũ khí hạt nhân nằm sâu trong một ngọn núi ở Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết quân đội nước này sẽ nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot để bảo vệ Seoul và các khu vực lân cận khỏi mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên. Vị bộ trưởng cũng kêu gọi sẵn sàng chiến đấu toàn diện để chống lại các vụ thử tên lửa khiêu khích từ Triều Tiên.
Trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc ngay sau vụ thử ICBM của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất triển khai tạm thời thêm 4 hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và kêu gọi tham vấn với Mỹ về cách tăng cường chiến lược phòng thủ chống Triều Tiên. Theo hãng tin Kyodo (Nhật), các nguồn tin ngoại giao ngày 30-7 cho biết Mỹ đang cân nhắc đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào danh sách đen theo một nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc.
Về phần mình, Triều Tiên cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn nếu Mỹ định áp đặt các lệnh trừng phạt mới. "Nếu Mỹ duy trì chính sách quân sự phiêu lưu cùng các lệnh trừng phạt dày đặc nhằm vào Triều Tiên, chúng tôi sẽ đáp trả bằng một hành động công lý cứng rắn như đã tuyên bố" - hãng thông tấn chính thức KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố hôm 30-7. Người phát ngôn còn cho biết lần phóng thử tên lửa Hwasong-14 thứ hai vừa rồi, đạt độ cao 3.724 km và bay khoảng 998 km, nhằm gửi đi thông điệp cảnh báo với việc Mỹ tăng cường đe dọa và trừng phạt Triều Tiên.
Trung Quốc "bình chân như vại"
Trung Quốc cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không ra lệnh tấn công Triều Tiên, đồng thời Bắc Kinh vẫn tiếp tục cứu giúp Bình Nhưỡng.
Đó là nhận định của giới phân tích chính trị về tình hình liên quan đến Triều Tiên trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un không ngừng những hành động khiêu khích Mỹ. Theo đó, sự sụp đổ của chế độ ông Kim được xem là một mối đe dọa trực tiếp hơn về chiến lược đối với Bắc Kinh; ông chủ Nhà Trắng cũng không gây chiến với Triều Tiên vì nguy cơ tước đi sinh mạng của hàng triệu người.
"Phương án quân sự mà người Mỹ đe dọa sẽ không xảy ra bởi vì nguy cơ quá cao. Đây là lý do họ đổ dồn sức ép lên Trung Quốc. Đó là sự hăm dọa hơn là sự thực" - trang Bloomberg trích dẫn nhận xét của ông Liu Ming, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.
"Tuần trăng mật" giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc sau khi Mỹ trừng phạt 1 ngân hàng Trung Quốc, 1 công ty vận tải thủy và 2 công dân Trung Quốc vì các thỏa thuận làm ăn với Triều Tiên. Đó có thể là điềm báo trước Mỹ sẽ có thể gây áp lực mạnh hơn về kinh tế và tài chính, buộc Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng. Chuyên gia về khu vực Bắc Á Andrew Gilholm cho rằng trong năm nay Mỹ nhiều khả năng sẽ thực hiện một "động thái ấn tượng" chống lại Trung Quốc để ngăn chặn Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân. Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không vì áp lực đó mà thay đổi chính sách với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, nhận định về những chỉ trích nặng lời của Tổng thống Donald Trump trên Twitter hôm 29-7 bày tỏ sự thất vọng đối với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nhà bình luận Victor Gao cảnh báo nguy cơ tình hình có thể trầm trọng hơn. "Mỹ và Trung Quốc càng chia rẽ hơn, Triều Tiên càng có điều kiện để lợi dụng sự chia rẽ đó" - nhà bình luận vốn là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc này quả quyết.
Một diễn biến khác, chỉ vài giờ sau lời chỉ trích của tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, xây dựng một quân đội "tầm cỡ thế giới" có khả năng "đánh bại tất cả mọi kẻ thù xâm lược". Tuyên bố trên được ông Tập đưa ra trong lễ duyệt binh chào mừng 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễn ra sáng 30-7 tại khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc.
Lục San
Bình luận (0)