Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng từ đảo Hải Nam - Trung Quốc hôm 29-4, mang theo mô đun Thiên Hà. Mô đun này chứa những bộ phận sẽ trở thành nơi ở cho 3 thành viên phi hành đoàn trên một trạm vũ trụ cố định của Trung Quốc. Vụ phóng Thiên Hà là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 việc cần thiết để hoàn thành việc thiết lập trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin bày tỏ hy vọng tên lửa của Trung Quốc sẽ rơi xuống đại dương và ước tính nó sẽ rơi xuống vào khoảng từ ngày 8 đến 9-5.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Howard cho biết Bộ Tư lệnh không gian của Mỹ đang theo dõi quỹ đạo của tên lửa trên. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có thể xác định điểm rơi chính xác trong vòng vài giờ trước khi nó rơi xuống.
Mỹ lên tiếng về việc bắn hạ mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc
Theo ông Howard, Phi đoàn Kiểm soát không gian số 18 sẽ cung cấp thông tin cập nhật hằng ngày về vị trí của tên lửa trên trang web Space Track.
Theo SpaceNews, tầng trung tâm nặng 22 tấn của tên lửa Trường Chinh 5B đang trong tình trạng mất kiểm soát và có thể rơi xuống Trái đất. Thay vì rơi xuống địa điểm đã định trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong sự bất lực của Trung Quốc.
Tên lửa Trung Quốc Trường Chinh 5B phóng mô đun lên quỹ đạo trái đất hôm 29-4. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong khi đó, ông Jonathan McDowell, một nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn tại Trường ĐH Harvard, nói với đài CNN rằng tình hình không quá nghiêm trọng.
Ông McDowell giải thích việc xác định chính xác nơi xác tên lửa rơi xuống là gần như không thể vào thời điểm này vì tên lửa đang di chuyển với tốc độ cao, những thay đổi nhỏ trong hoàn cảnh sẽ thay đổi đáng kể quỹ đạo.
Tuy nhiên, McDowell cho rằng đại dương vẫn là nơi đặt cược an toàn nhất để các mảnh vỡ hạ cánh vì đại dương chiếm hầu hết bề mặt trái đất.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng thông tin tên lửa này đã mất kiểm soát và có thể gây hại là sự cường điệu của phương Tây. Đồng thời, tờ báo trích lời người trong ngành cho hay tình hình không có gì đáng lo ngại.
Mỹ từng cam kết giải quyết các nguy cơ tắc nghẽn do rác không gian và muốn phối hợp với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy những hành vi có trách nhiệm trong vũ trụ.
Bình luận (0)