Theo Reuters, EC buộc phải nhìn nhận rằng thỏa thuận trên khó qua ải Nghị viện châu Âu chừng nào Trung Quốc còn duy trì lệnh trừng phạt nhằm vào một số thành viên cơ quan này. Tuyên bố của EC hôm 5-5 cho biết triển vọng phê chuẩn CAI sẽ phụ thuộc tình hình quan hệ EU - Trung Quốc sắp tới thế nào.
EU và Trung Quốc hồi cuối tháng 12-2020 thông qua Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) sau 7 năm đàm phán. Đến tháng 3-2021, EU trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, dẫn đến biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. CAI cần được Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU (gồm lãnh đạo 27 nước thành viên) phê chuẩn để trở thành luật.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi họp trực tuyến hôm 4-5 Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ
Trong lúc tương lai CAI còn mờ mịt, EU và Ấn Độ dự kiến nhất trí khởi động lại cuộc đàm phán thương mại tự do tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra trong ngày 8-5. Ngoài ra, hai bên dự kiến còn thảo luận chuyện bắt tay trong các dự án hạ tầng khắp thế giới, tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và kỹ thuật số. Theo Reuters, nỗi lo về sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những yếu tố thúc đẩy Brussels và New Delhi xích lại gần nhau hơn.
Một nghiên cứu hồi năm 2020 của Nghị viện châu Âu cho rằng EU (tính luôn cả Anh) có thể thu về đến 8,5 tỉ euro từ thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ. Sau khi rời EU, Anh và Ấn Độ dự kiến tiến hành đàm phán thương mại trong năm nay. Trước mắt, hai bên đã công bố thỏa thuận đầu tư trị giá 1,3 tỉ USD vào nhiều lĩnh vực khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi họp trực tuyến hôm 4-5.
Bình luận (0)