Các tay súng phong trào Taliban hôm 13-8 tiến vào TP Feroz Koh, thủ phủ tỉnh Ghor ở miền Tây Afghanistan và giao tranh đã diễn ra bên trong địa phương này. Taliban còn tuyên bố đã chiếm giữ TP Qala-e-Naw, thủ phủ tỉnh Badgis, dù thông tin này chưa được chính thức xác nhận.
Trước đó, 2 TP Kandahar và Herat, lớn thứ 2 và thứ 3 ở Afghanistan, đã rơi vào tay Taliban, bên cạnh 12/34 thủ phủ của tỉnh.
Theo AP, thủ đô Kabul vẫn chưa đối mặt mối đe dọa trực tiếp nào nhưng đà tiến nhanh chóng của phong trào Taliban nêu bật tình trạng an ninh đang xấu đi nhanh chóng tại quốc gia Nam Á này chỉ vài tuần trước khi Mỹ dự kiến chấm dứt cuộc chiến dài nhất của mình ở đó.
Trong nỗ lực ngăn chặn kịch bản xấu hơn xảy ra, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 12-8 thông báo sẽ điều khoảng 3.000 quân đến Afghanistan để hỗ trợ việc sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ khỏi đó.
Ngoài ra, một lực lượng dự bị khoảng 3.500-4.000 binh sĩ sẽ được bố trí ở Kuwait để khi cần có thể được triển khai đến Kabul. Hai nước Anh và Canada cũng cử lực lượng đến Afghanistan để làm nhiệm vụ tương tự.
Ông Abdullah Abdullah, Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan (giữa), đến Qatar hôm 12-8 để dự hòa đàm Ảnh: Reuters
Cùng ngày, theo đài CNN, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ đã trấn an Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rằng Washington vẫn cam kết tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Mỹ cũng cảnh báo rằng nước này sẽ đáp trả nếu Taliban tấn công người Mỹ trong thời gian triển khai quân tạm thời nói trên.
Đại diện chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các cuộc hòa đàm đang diễn ra ở Qatar. Dù vậy, nhiều nước cảnh báo sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào được thành lập thông qua vũ lực tại Afghanistan. Theo đánh giá mới nhất của tình báo Mỹ, các tay súng Taliban có thể gây sức ép lên Kabul trong vòng 30 ngày và giành toàn quyền kiểm soát đất nước trong vài tháng nếu tình hình không có gì thay đổi.
Theo đài NBC News, một kịch bản như thế đang khiến giới chức Mỹ lo lắng vì nó có thể cho phép mạng lưới khủng bố al-Qaeda trỗi dậy và gây rắc rối bên ngoài Afghanistan. Gần 20 năm trước, al-Qaeda đã lên kế hoạch tiến hành vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 ngay từ Afghanistan.
Hiện nay, theo giới chức Mỹ, chỉ còn 200-300 thành viên al-Qaeda hoạt động ở Afghanistan. Còn theo một báo cáo được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc công bố cuối tháng rồi, al-Qaeda được cho là đang hiện diện tại ít nhất 15 tỉnh ở Afghanistan.
Vì thế, khoảng trống an ninh mà Mỹ và liên quân để lại ở Afghanistan có thể là cơ hội để các nhóm khủng bố như al-Qaeda "hồi sinh". Một số quan chức Mỹ giấu tên nhận định với NBC News rằng một chính phủ Taliban ở Afghanistan sẽ không ngăn al-Qaeda tập hợp lại để lên kế hoạch tấn công nhằm vào phương Tây. Nếu Taliban lên nắm quyền, thông tin tình báo về al-Qaeda có thể thêm ít ỏi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng Mỹ xác định và không kích các mục tiêu tiềm tàng của mạng lưới khủng bố này tại Afghanistan.
Sau khi nhận chức chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan vào tháng rồi, Tướng Frank McKenzie khẳng định al-Qaeda vẫn là mối bận tâm hàng đầu của quân đội Mỹ tại khu vực. Dù vậy, ông nhận định nếu chiến dịch tấn công al-Qaeda không còn mạnh mẽ như trước, nhóm khủng bố này có thể trỗi dậy và đe dọa gây ra các vụ tấn công mới trên thế giới.
Lực lượng quốc phòng Afghanistan yếu kém do đâu?
Theo Tạp chí Foreign Policy (Mỹ), Washington và các đồng minh đã chi nhiều tỉ USD để phát triển, trang bị vũ khí và huấn luyện lục quân, không quân, lực lượng biệt kích và cảnh sát của Afghanistan. Riêng Mỹ đã chi gần 83 tỉ USD cho lĩnh vực quốc phòng của quốc gia Nam Á này kể từ năm 2001. Do đó, dư luận quốc tế không khỏi bị sốc khi chứng kiến Taliban nhanh chóng kiểm soát được nhiều địa phương trong chiến dịch quân sự hiện nay.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng sai lầm không nằm ở việc cung cấp huấn luyện hoặc vũ khí cho Afghanistan. Thay vào đó, nguyên nhân xuất phát từ chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, nổi bật là nạn tham nhũng tại các Bộ Quốc phòng và Nội vụ, năng lực lãnh đạo yếu và tình trạng tư lợi ở nhiều nơi.
Theo một số nguồn tin, lực lượng cảnh sát Afghanistan không được Bộ Nội vụ trả lương trong nhiều tháng dù họ được huấn luyện quân sự và chiến đấu từ các căn cứ tiền tuyến. Điều tương tự cũng xảy ra ở Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, binh sĩ và cảnh sát tại nhiều khu vực không được cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống, đạn dược hoặc vũ khí. Ngoài ra, nhiều người bị điều động xa nhà nên họ bỏ vị trí để trở về bảo vệ gia đình cùng tài sản. Một cựu quan chức cấp cao Tổng cục An ninh quốc gia Afghanistan tiết lộ khoảng 5.000 thành viên rời bỏ các lực lượng an ninh nước này mỗi tháng trong lúc chỉ có 300-500 người mới được tuyển mộ.
Bình luận (0)