Một đoạn nội dung ít được chú ý trong Chiến lược an ninh quốc gia mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào tháng rồi báo hiệu nỗ lực mới nhằm chống lại chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này.
Chất xúc tác từ Úc
Một nhóm của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), tập hợp đại diện nhiều cơ quan, đang điều phối một cuộc điều tra của chính phủ về những hoạt động ngấm ngầm gây ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, hãng phim và tổ chức truyền thông ở Mỹ.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói với tờ The Washington Post hôm 9-1 rằng mục tiêu cuộc điều tra không phải là "sức mạnh mềm của Trung Quốc" - tức những hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi ý tưởng được hoan nghênh - mà là những hoạt động bí mật, mang tính ép buộc nhằm tác động đến các cuộc bầu cử, quan chức, chính sách, dư luận và quyết định của doanh nghiệp.
Nỗi lo của Washington là các đối thủ của Mỹ có thể biến thông tin thành vũ khí tấn công các giá trị, định chế đóng vai trò quan trọng trong một xã hội tự do.
"Nỗ lực của Trung Quốc để ảnh hưởng tới chính sách và những quyền tự do cơ bản của chúng ta có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ" - Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói trước thềm phiên điều trần có chủ đề "Cánh tay nối dài của Trung Quốc" của Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) vào giữa tháng rồi.
Chất xúc tác cho cuộc điều tra do NSC đứng đầu là cảnh báo của đồng minh Úc vào năm ngoái về sự can thiệp chưa từng có của nước ngoài vào nội bộ Canberra, đe dọa làm tổn hại an ninh và chủ quyền đất nước.
Giới truyền thông Úc cũng đăng tin, bài điều tra về việc Trung Quốc tìm cách "mua" ảnh hưởng ở nước này, cụ thể là doanh nghiệp, doanh nhân thân Bắc Kinh quyên tặng tiền cho chiến dịch vận động tranh cử của các thượng nghị sĩ Úc.
Các trường đại học Mỹ hiện có 350.000 sinh viên Trung Quốc theo học Ảnh: TÂN HOA XÃ
Sức mạnh của đồng tiền
Ông Kurt Campbell, từng làm trợ lý ngoại trưởng Mỹ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhận định cuộc điều tra có thể giúp ích nếu được tiến hành vô tư.
"Chúng ta đang tập trung vào những chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga nhưng người Trung Quốc thậm chí còn hoạt động tinh vi và phức tạp hơn nhiều ở Mỹ" - ông Campbell cảnh báo.
Nhận định của ông Campbell không phải không có cơ sở. Chẳng hạn, các trường đại học Mỹ hiện có 350.000 sinh viên Trung Quốc theo học, chiếm gần 1/3 sinh viên nước ngoài. Bắc Kinh khuyến khích sinh viên mình tham gia các chi nhánh của hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc tại các trường học địa phương ở Mỹ. Những quan chức đại học nào chọc giận Trung Quốc có thể trả giá.
Một ví dụ tiêu biểu được giới chức Mỹ nhắc đến là việc Trường ĐH California ở TP San Diego mời Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, đến phát biểu vào năm ngoái dẫn đến cảnh báo rằng số lượng sinh viên Trung Quốc đến đó học sẽ ít đi trong lúc bằng cấp của trường sẽ không được công nhận ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ngoài ra, với những tổ chức Mỹ háo hức tìm hiểu về Trung Quốc, tiền tài trợ cho những công trình này lại thường đến từ những lãnh đạo doanh nghiệp có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, đe dọa đến tính khách quan, độc lập của những nhà nghiên cứu.
"Bằng cách tác động đến những nhân vật có ảnh hưởng, Trung Quốc đang dùng chính người Mỹ để chuyển thông điệp của Bắc Kinh đến những người khác ở Mỹ. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các quan chức Trung Quốc đích thân phát đi thông điệp" - ông Glenn Tiffert, chuyên gia tại Viện Hoover (Mỹ), nhận định.
Các hãng phim ở Hollywood cũng đối mặt vấn đề đặc biệt tế nhị trên vì tiền bán vé tại thị trường này đã tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2010 lên 8,6 tỉ USD năm 2017, chỉ đứng sau Mỹ. Sức mạnh của đồng tiền có thể khiến các hãng phim Mỹ sợ làm mất lòng giới chức Trung Quốc.
Tương tự, các tổ chức tin tức Mỹ khó thoát khỏi sức ép từ Trung Quốc. Nước này có thể hạn chế cấp thị thực cho phóng viên hoặc cấm xuất bản những tờ báo nào bị xem là hay chỉ trích Bắc Kinh.
Bình luận (0)