Hôm 9-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp các lãnh đạo quốc hội để trình bày chiến lược mới nhằm tiêu diệt nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoành hành ở Iraq và Syria.
Nghị sĩ hiến kế
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông Obama muốn tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội. Song, không loại trừ khả năng tổng thống Mỹ đơn phương mở rộng không kích IS mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội, bất chấp điều này có thể khiến một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ phật lòng.
Tổng thống Obama dự kiến chính thức công bố chiến lược đối phó IS lâu dài trong bài diễn văn đọc vào đêm 10-9 (giờ Washington). Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng còn đề nghị giới lãnh đạo quốc hội thông qua quỹ chống khủng bố trị giá 5 tỉ USD có thể dùng để hỗ trợ nỗ lực đối phó IS, như huấn luyện và trang bị vũ khí cho các đối tác.
Lực lượng người Kurd tham gia cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) gần TP Mosul - Iraq
Ảnh: Reuters
Trang tin tức The Hill nhận định việc thông qua quỹ này sẽ cho phép Nhà Trắng và các lãnh đạo quốc hội tránh một cuộc bỏ phiếu được dự báo là không dễ dàng gì về việc cấp ngân sách cho chiến dịch chống IS. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số tiền nêu trên có đủ trang trải cho hành động quân sự này hay không.
Không chỉ chờ nghe chiến lược của ông Obama, nhiều nhà lập pháp Mỹ còn tự đưa ra ý tưởng đối phó IS riêng. Chẳng hạn, các thượng nghị sĩ Johnny Isakson và Lindsey Graham cho rằng Mỹ nên triển khai lực lượng đặc nhiệm, một giải pháp bị ông Obama bác bỏ ngay từ đầu.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Ted Cruz kêu gọi quốc hội tăng cường an ninh tại biên giới với Mexico do có tin đồn các thành viên IS tìm cách xâm nhập Mỹ qua con đường đó. Riêng hạ nghị sĩ Frank Wolf chính thức đưa ra dự luật cho phép sử dụng lực lượng quân sự để chống lại các nhóm bị Mỹ gọi là khủng bố như IS, Boko Haram, al-Shabaab…
Liên minh gặp khó
Bên ngoài nước Mỹ, nỗ lực hình thành một liên minh quân sự để đối phó với IS có thể gặp trở ngại. Bởi lẽ, không ít đồng minh Sunni của Washington ở Trung Đông vẫn còn bất mãn trước “sự ngây thơ và yếu đuối” mà Mỹ thể hiện trước cuộc nội chiến ở Syria.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự bực bội vẫn còn đó, Liên đoàn Ả Rập hôm 8-9 nhất trí tiến hành những biện pháp tức thì, cả về chính trị và quân sự, để chống IS nhưng không công khai ủng hộ hành động quân sự của Mỹ.
Vì thế, không dễ để Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tìm được sự ủng hộ trong chuyến công du Trung Đông sắp tới. “Sự tin tưởng dành cho khả năng lãnh đạo và chính sách đối ngoại của ông Obama đang ở mức thấp, nhất là tại vùng Vịnh” - ông Mustafa Alani, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu vùng (Thụy Sĩ), lý giải.
Theo giới phân tích, Mỹ sẽ phải khổ công thuyết phục - và cả lôi kéo - để các nước Sunni trong khu vực chịu góp sức. Ông Alani nhận định với hãng tin AP: “Bất kỳ sự hợp tác nào cũng sẽ có điều kiện. Họ (các nước Sunni) sẽ không chịu nhảy xuống hồ mà không nhận được gì”.
Trong nỗ lực tìm kiếm thêm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, ông Obama dự kiến chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về mối đe dọa của các tay súng nước ngoài ở Iraq và Syria vào ngày 24-9 tới.
Phiên họp có thể sẽ thông qua một nghị quyết yêu cầu các nước thành viên Liên Hiệp Quốc “ngăn chặn” việc tuyển mộ và đi lại của những phần tử dự định đầu quân cho các nhóm vũ trang cực đoan như IS.
Phản đối triển khai bộ binh
Theo cuộc thăm dò được đài CNN công bố hôm 8-9, đa số người Mỹ lo ngại về mối đe dọa của IS nhưng vẫn phản đối việc đưa bộ binh đến Iraq và Syria để tiêu diệt nhóm này.
Cuộc thăm dò cho thấy 70% người được hỏi tin rằng IS có đủ nguồn lực để tấn công nước Mỹ, 76% người ủng hộ tăng cường không kích IS và 62% ủng hộ Washington hỗ trợ quân sự cho những lực lượng đang chống lại IS. Tuy nhiên, có tới 61% người được hỏi đã phản đối triển khai bộ binh đến Iraq và Syria.
Bình luận (0)