Tại một phiên tòa xét xử trực tiếp bất thường hôm 26-6 giữa dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), một thẩm phán liên bang tại TP San Jose (thuộc bang California) đã tuyên bố bản án chống lại ông Trương Hạo - giáo sư tại trường ĐH Thiên Tân (Trung Quốc).
Bị bắt vào tháng 5-2015 khi đang trên đường bay đến TP Los Angeles dự hội nghị, ông Trương bị buộc tội thông đồng cùng một đồng nghiệp tại trường ĐH South Carolina ăn cắp và bán bí mật của Mỹ cho chính phủ và quân đội Trung Quốc thông qua một công ty "ma" ở quần đảo Cayman.
Giáo sư trường ĐH Thiên Tân Trương Hạo và tài liệu bắt giữ của cảnh sát Mỹ năm 2015. Ảnh: The Paper
Giáo sư Trương bị kết tội trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang tích cực ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc. Động thái này bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và tiếp tục dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Hiện Washington giám sát chặt chẽ đối với các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu tại Mỹ.
Theo hồ sơ tòa án, ông Trương có thể đối mặt với án tù đến 15 năm cho tội gián điệp kinh tế và 10 năm cho tội trộm cắp bí mật thương mại. Phán quyết về trường hợp ông Trương được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng xấu đi.
Bất chấp phiên họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với phái đoàn Trung Quốc tại Hawaii tuần trước, mối quan hệ này vẫn rất căng thẳng, đụng độ trải dài trên nhiều vấn đề, từ cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19 đến luật an ninh quốc gia mới sắp áp dụng tại Hồng Kông.
Tuần này, Lầu Năm Góc đã công bố danh sách 20 công ty Trung Quốc bị cho là thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc, trong đó có các đại gia công nghệ Huawei, Hikvision... 20 công ty này nhiều khả năng sẽ phải nhận thêm trừng phạt từ chính phủ Mỹ.
Giáo sư Trương Hạo kiểm tra an ninh trước khi dự phiên tòa vào tháng 10-2019. Ảnh: Bloomberg
Luật sự biện hộ của giáo sư Trương lập luận rằng công việc của ông tại trường ĐH Thiên Tân - một trong các trường đại học kĩ thuật uy tín nhất của Trung Quốc là phát triển công nghệ lọc vô tuyến dùng trong điện thoại di động, mục đích là nâng cao kiến thức khoa học chứ không phải vì lợi ích của chính quyền Bắc Kinh.
Các luật sư biện hộ cho giáo sư Trương thừa nhận bằng chứng trong vụ án, bao gồm các email mà công tố viên cho biết có chứa dữ liệu bí mật thương mại và lời khai nhận ông Trương đưa ra khi bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thẩm vấn.
Công tố viên cho biết những bí mật mà ông Trương đánh cắp đến từ công ty cũ gồm Skyworks Solutions (có trụ sở tại bang Massachusetts) và Avago Technologies (có trụ sở ở TP San Jose, bang California). Ông Trương lấy cắp công thức, mã nguồn, thông số kỹ thuật, mẫu thiết kế và một số tài liệu được đánh dấu là tài liệu mật hoặc thuộc quyền sở hữu của những công ty Mỹ nêu trên.
Ông này chia sẻ những bí mật thương mại đánh cắp với ĐH Thiên Tân, giúp cho việc thiết kế thiết bị chế tạo công nghệ cộng hưởng âm thanh màng mỏng (FBAR). FBAR là công nghệ quan trọng, có thể lọc ra các tín hiệu không mong muốn trong điện thoại di động và một số thiết bị khác. Lọc tín hiệu không mong muốn là một vấn đề khó kiểm soát kể từ khi các thiết bị không dây trở nên phổ biến.
Ông Trương cùng các luật sư đã chọn thẩm phán liên bang Edward Davila xét xử vụ kiện thay vì một bồi thẩm đoàn, các chuyên gia pháp lý gọi đây là biện pháp nhằm "giảm bớt thiệt hại" cho giáo sư.
Trong phiên tòa ngày 26-6, thẩm phán Davila cho biết các bằng chứng trình ra trước tòa (phần lớn đã được cả nguyên đơn và bị đơn xác nhận) cho thấy giáo sư Trung Quốc này biết công nghệ lọc tín hiệu nói trên là bí mật thương mại. Thẩm phán Davila nói: "Ông Trương nộp đơn xin cấp bằng sáng chế bằng cách sử dụng bí mật thương mại ông ta ăn cắp và tự xem mình là nhà phát minh".
Bình luận (0)