Washington đang gây áp lực buộc Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân của mình và ngừng ủng hộ các lực lượng quân sự trên khắp Trung Đông.
Hồi tháng 11-2018, Mỹ một lần nữa áp lệnh trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân năm 2015 với Iran và 6 cường quốc thế giới.
Mỹ muốn ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Ảnh: Reuters
Bên cạnh các lệnh trừng phạt, Washington cũng đã cấp miễn trừ cho 8 nền kinh tế đã giảm mua dầu Iran, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu mà không phải chịu lệnh trừng phạt trong hơn 6 tháng. Các nền kinh tế này gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hy Lạp.
Tuy nhiên, tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong ngày 22-4 sẽ tuyên bố kể từ ngày 2-5, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không còn ban hành miễn trừ trừng phạt cho bất kì quốc gia, vùng lãnh thổ nào đang nhập khẩu dầu thô hoặc chất lỏng khí tự nhiên của Iran.
Hôm 17-4, ông Frank Fannon, trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng Mỹ, đã lặp lại quan điểm của chính quyền Washington rằng mục tiêu của họ là đưa hoạt động xuất khẩu dầu Iran xuống mức 0 càng nhanh càng tốt. Các quốc gia khác đã theo dõi xem liệu Mỹ có tiếp tục lệnh miễn trừ hay không.
Hôm 16-4, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết quốc gia này hy vọng Mỹ sẽ gia hạn miễn trừ cho Ankara để tiếp tục mua dầu từ Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ông Kalin cho hay Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Iran và không nghĩ rằng hành động này sẽ mang lại kết quả mong muốn.
Washington đến nay đã thực hiện chiến dịch gây áp lực kinh tế tối đa đối với Iran và thông qua các lệnh trừng phạt để ngăn chặn xuất khẩu dầu của Tehran và từ đó bóp nghẹt nguồn doanh thu chính của nước này.
Bình luận (0)