Kế hoạch nói trên được nhắc đến trong chiến lược phòng thủ tên lửa mới do chính quyền Tổng thống Trump công bố vào ngày 17-1. Kể từ năm 2001, Mỹ đã chi tổng cộng 130 tỉ USD cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng thủ Patriot và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm vào các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Để đối phó tên lửa đạn đạo liên lục địa bay cao hơn và nhanh hơn, Washington phát triển Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD). Với chi phí 67 tỉ USD và đang gia tăng, GMD là hệ thống vũ khí tốn kém thứ tư của Lầu Năm Góc và nó được phát triển để đối phó với Triều Tiên và Iran.
Về mặt lý thuyết, GMD sẽ hoạt động như sau: tên lửa của địch sẽ bị vệ tinh và mạng lưới radar trải dài từ khu vực Cape Cod, bang Massachusetts – Mỹ đến Nhật Bản phát hiện và sau đó, bị 44 vũ khí đánh chặn ở Alaska và California bắn hạ. Theo tờ Economist, tỉ lệ đánh chặn thất bại của GMD đối với 1 tên lửa chỉ là 3%. Nghe có vẻ ấn tượng nhưng nếu kẻ địch phóng hàng chục tên lửa, rủi ro thất bại sẽ tăng lên đáng kể.
Kính viễn vọng laser của Không quân Mỹ ở TP Albuquerque, bang New Mexico. Ảnh: CBS News
Điều này buộc chính quyền Tổng thống Trump đưa ra 2 chiến lược mới. Thứ nhất, bắn hạ tên lửa kẻ địch ngay trong "giai đoạn đẩy" khi chúng di chuyển chậm hơn. Vì giai đoạn đẩy chỉ diễn ra trong vài phút, chiến lược này đòi hỏi phản ứng nhanh chóng. Các chiến đấu cơ như F-35 hoặc máy bay không người lái có thể được triển khai cấp tốc về phía bệ phóng của địch để tiêu diệt tên lửa của chúng. Chiến lược này ẩn chứa nhiều rủi ro.
Chiến lược thứ hai an toàn hơn nhưng tốn kém hơn rất nhiều: phát hiện và tiêu diệt tên lửa địch từ ngoài không gian. Vào tháng 12-2018, Tổng thống Trump ra lệnh xây dựng một Trung tâm chỉ huy Không gian để tiến hành các hoạt động quân sự từ không gian.
Lầu Năm Góc đang muốn triển khai thêm lượng lớn các vệ tinh nhỏ hơn và rẻ hơn lên quỹ đạo để theo dõi tên lửa của địch "từ lúc chúng được phóng đi cho đến lúc chúng bị tiêu diệt". Theo Economist, giới chức Mỹ đang bắt đầu quá trình nghiên cứu kéo dài 6 tháng để tìm cách đưa vũ khí đánh chặn, có thể là tên lửa hoặc laser, lên không trung.
Những ý tưởng này chẳng phải mới mẻ. Trước đó, vào năm 2010, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng thử nghiệm thành công "laser trên không" bắn hạ tên lửa địch.
Để thực hiện thành công chiến lược bắn hạ tên lửa địch từ không gian, Washington cần phát triển một mạng lưới vệ tinh lớn với chi phí hàng trăm tỉ USD. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhấn mạnh các công nghệ mới sẽ giúp cắt giảm chi phí.
Bình luận (0)