Theo ông Obama, đây là điều đúng đắn cần làm để bảo đảm rằng người dân Myanmar được tưởng thưởng xứng đáng từ một đường lối kinh tế mới và chính phủ mới. Tổng thống Mỹ còn cho biết Washington sẽ đưa Myanmar trở lại danh sách các quốc gia đang phát triển được hưởng Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP), vốn cho phép miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ với khoảng 5.000 hàng hóa.
Ông Obama không nói rõ thời điểm dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhưng khẳng định việc này sẽ sớm diễn ra. Một bước đi như thế sẽ xóa bỏ một trong những trở ngại cuối cùng để hai nước bình thường hóa quan hệ hoàn toàn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Obama tìm cách củng cố hơn nữa chính sách xoay trục sang châu Á trước khi rời khỏi Nhà Trắng trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, đã xuất hiện chỉ trích rằng việc chấm dứt trừng phạt quá sớm sẽ làm chậm tốc độ thay đổi ở Myanmar giữa lúc vẫn chưa hết lo ngại về những vi phạm nhân quyền và vai trò của quân đội ở nước này. Đáp lại, theo tờ The Wall Street Journal, giới chức Mỹ nhấn mạnh việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt còn lại đối với Myanmar đòi hỏi nước này phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của quân đội đối với chính phủ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi đầu năm nay từng chỉ rõ Myanmar sẽ phải thay đổi hiến pháp để bảo đảm chính phủ dân sự nắm quyền nếu muốn thoát trừng phạt. Giới chức Mỹ hôm 14-9 tái khẳng định không có chuyện Washington dỡ bỏ trừng phạt trước. Mọi chuyện còn phụ thuộc vào việc bà Suu Kyi có tiếp tục sửa đổi hiến pháp như cam kết đưa ra trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama hay không.
Bình luận (0)