Quân đội Mỹ đang phát triển loại cảm biến sinh học thế hệ mới có thể dẫn đến sự ra đời của loại vũ khí biết được khi nào thì binh sĩ mệt mỏi hoặc họ cần phải làm gì để chiến đấu hiệu quả hơn.
Vũ khí cảm biến sinh học
Đầu năm nay, Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công loại mũ theo dõi hoạt động của não bộ, từ đó biết được phi công có đang căng thẳng hoặc hoảng sợ hay không. Dự kiến đến năm 2020, lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ và lực lượng biệt kích Ranger có thể mặc một "bộ giáp" bảo vệ họ trong quá trình thực thi những sứ mệnh quan trọng. Những vũ khí cảm biến sinh học này thậm chí hứa hẹn có thể hiểu rõ hơn về người đang sử dụng chúng và những gì xảy ra với cơ thể họ trong lúc chiến đấu.
Theo trang Defense One (Mỹ), vũ khí còn có thể phát hiện những thay đổi nhỏ liên quan đến tình trạng sức khỏe người sử dụng, như căng thẳng, lo âu, tỉnh táo… Chúng có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng người sử dụng dựa trên dữ liệu về cách họ tương tác với môi trường xung quanh. Theo trang Defense One, lực lượng không quân, thủy quân lục chiến, hải quân và các lực lượng đặc nhiệm khác của Mỹ đang tìm cách cải thiện năng lực của binh sĩ bằng việc theo dõi cơ thể họ ở cấp độ di truyền. Trong hai năm qua, quân đội Mỹ đã chi hơn 2 triệu USD để mua các thiết bị theo dõi y sinh học.
Không quân Mỹ gần đây đã thử nghiệm thành công loại mũ theo dõi hoạt động của não bộ phi công Ảnh: THINKSTOCK
Một trong những dự án đang được tiến hành là theo dõi và kiểm tra nhịp tim của một binh sĩ nào đó từ xa, từ đó cho phép nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn những điểm mạnh về tinh thần và thể chất của từng người. Các quan chức quân sự có thể sử dụng công nghệ này nhận biết được nhiệm vụ nào phù hợp với binh sĩ nào. Chẳng hạn, những cá nhân thích mạo hiểm có thể phù hợp với các nhiệm vụ nguy hiểm nhưng có khi lại không phù hợp với các hoạt động quân sự khác.
Dự báo chính xác hơn
Ông Kaleb McDowell, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Binh sĩ Thích ứng thuộc Phòng thí nghiệm quân đội Mỹ (ARL), cho rằng các binh sĩ sẽ làm nhiệm vụ tốt hơn khi có trong tay những vũ khí được chế tạo riêng cho họ. Vấn đề là rất khó để làm điều này nhanh chóng với một quân đội có hàng trăm ngàn binh sĩ. Đó là lý do tại sao việc thiết kế vũ khí ngày nay chưa có nhiều đột phá.
"Chúng ta đang thiết kế các sản phẩm đơn giản cho mọi người. Một người có kỹ năng về không gian tuyệt vời không sử dụng khả năng của mình vào bất kỳ hệ thống nào mà chúng ta thấy hiện nay. Một phụ nữ có khả năng toán học siêu phàm không thể tận dụng sở trường của mình trong các hệ thống ngày nay vì không ai nghĩ đến một hệ thống thực sự cần đến khả năng đó. Chúng ta chỉ thiết kế những thứ mà ai cũng có thể sử dụng được" - ông McDowell giải thích.
Vì lẽ đó, ông McDowell muốn sáng tạo ra những vũ khí phù hợp với từng người sử dụng. Cũng chia sẻ mục tiêu này, ông Glenn Gunzelmann, chuyên gia tâm lý học của Không quân Mỹ, từng phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Mỹ gần đây: "Mục tiêu cơ bản của chúng tôi là cải thiện sự chính xác trong việc dự đoán binh sĩ nào sẽ thành công trong lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cụ thể nào".
Tạo lợi thế mới
Khi buộc phải lựa chọn giữa nguy cơ thất bại trong một cuộc xung đột quan trọng và tận dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ để tạo lợi thế mới thì không khó để đoán được quyết định của bất kỳ quân đội nào. Dù vậy, ông William Roper, Giám đốc Phòng Năng lực Chiến lược (SCO) thuộc Lầu Năm Góc, không khỏi lo ngại khi nghĩ về những gì các quốc gia khác sẵn sàng theo đuổi mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng như Mỹ, liên quan đến việc sử dụng cỗ máy thay con người ngoài chiến trường.
Bình luận (0)