Ông Obama cam kết rằng sẽ không hề do dự trong việc sát cánh cùng các đồng minh NATO chống lại "sự xâm lược" của Moscow. “Mỹ, châu Âu và thậm chí toàn thế giới quan tâm đến Nga như một nước hùng mạnh và có trách nhiệm. Điều đó không có nghĩa là Nga có thể áp chế các nước láng giềng. Không phải vì Nga có một lịch sử đặc biệt với Ukraine mà có thể quyết định tương lai của nước này” - ông Obama nói.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng phủ nhận bất kỳ động cơ tư lợi trong việc hỗ trợ chính phủ thân phương Tây mới ở Ukraine, vốn đã lật đổ đồng minh của Moscow - Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2. “Chúng tôi không hề triển khai lực lượng nào. Chúng tôi muốn người Ukraine tự quyết định giống như mọi công dân tự do khác trên thế giới” – ông Obama nói sau cuộc gặp lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels.
Tổng thống Mỹ cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần có sự hiện diện thường xuyên ở các nước Đông Âu, động thái có thể càng làm căng thẳng tình hình sau những gì đã xảy ra ở Ukraine và Crimea. Ông Obama cũng hối thúc Phương Tây duy trì đoàn kết trong việc đáp trả hành động sáp nhập Crimea của Nga, cho rằng “theo thời gian” Moscow sẽ nhận ra rằng “vũ lực tàn bạo” không thể giành chiến thắng.
Những tuyên bố nêu trên của ông Obama được đưa ra khi Washington triển khai lực lượng quân sự bổ sung cho Đông Âu. Mỹ đã gửi thêm 6 chiếc F-15C Eagle, 60 phi công tới Lithuania; 12 máy bay chiến đấu F-16 đến Ba Lan trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, Mỹ và EU cũng nhất trí trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn trước các hành động của Nga ở Ukraine, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, và tìm kiếm biện pháp để giúp châu Âu ít phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Ngày 26-3, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận các biện pháp bổ sung mà NATO có thể thực hiện để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea. Các biện pháp bao gồm kế hoạch phòng thủ được cập nhật, tăng cường tập trận và những bước triển khai phù hợp. Trả lời họp báo sau cuộc gặp Tổng thống Obama, ông Rasmussen tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Ukraine, trong đó có việc giúp người dân nước này hiện đại hóa lực lượng vũ trang”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Nga phải đảm bảo cho cam kết không xâm lược quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp Anh Philip Hammond, ông Chuck Hagel cho biết trong cuộc điện đàm tuần trước với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ông yêu cầu Nga giải thích lý do triển khai quân đội ở biên giới phía Tây nước này và đảm bảo với Mỹ rằng Moscow không có ý định vượt qua biên giới Ukraine.
Bình luận (0)