Ngoài ra, tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, Tư lệnh Tối cao NATO tại châu Âu, cáo buộc Nga đã tập hợp lực lượng quân đội đáng kể ở biên giới với Ukraine. Thêm vào đó, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Tony Blinken, nhận định Nga có thể đưa quân vào miền Đông Ukraine, nơi người dân chủ yếu nói tiếng Nga. Ông Blinken cho biết Washington đang xem xét mọi đề nghị hỗ trợ về quân sự từ chính phủ Kiev nhưng điều đó ít có khả năng ngăn chặn được hành động xâm lấn Ukraine.
Đáp lại những nhận định trên, hãng tin Itar-Tass trích dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov quả quyết Nga giới hạn số lượng binh sĩ gần biên giới với Ukraine theo các thỏa ước quốc tế. Thêm vào đó, đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov khẳng định nước này không có quan điểm bành trướng. Khi phóng viên đài BBC yêu cầu ông cam kết quân đội Nga sẽ không tiến vào những vùng lãnh thổ khác của Ukraine ngoài Crimea, ông tuyên bố: “Liên bang Nga không có ý định hành động như thế”.
Trong khi đó, theo đài phát thanh Svoboda, thượng nghị sĩ Mỹ Kelly Ayotte xác nhận quốc hội Mỹ trong ngày 24-3 (giờ địa phương) đã bỏ phiếu thông qua một số dự luật xem xét việc cung cấp cho Ukraine khoản tín dụng gần 1 tỉ USD cũng như trợ giúp về quân sự. Bà loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ trên lãnh thổ Ukraine nhưng Washington có thể cung cấp cho Ukraine vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và các phương tiện quốc phòng khác.
Ngoài ra, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Caitlin Hayden thông báo các nhà lãnh đạo nhóm G7 bàn bạc các bước đi tiếp theo để đáp trả hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân ở The Hague - Hà Lan trong ngày 24-3. Theo hãng tin Reuters, dự kiến Tổng thống Obama cũng sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Bình luận (0)